Công đồng Vatican II làm thay đổi bộ mặt Giáo hội Công giáo và thế giới
Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014
Với Vatican II, Giáo hội Công giáo đã phát đi thông điệp Giáo hội là một phần của thế giới hiện đại.
Thứ Năm ngày 11-10 cách đây 50 năm, hàng trăm nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo trong phẩm phục chỉnh tề đã bước vào Vương cung thánh đường Thánh Phêrô trong một nghi thức trang trọng của Giáo hội để bắt đầu một hội nghị lịch sử kéo dài ba năm, vốn sẽ làm thay đổi cách mà mọi thành phần của Giáo hội Công giáo suy nghĩ về chính mình, về Giáo hội của mình và thế giới bên ngoài.
Đó là ngày đầu tiên của Công đồng Vatican II với mục đích đánh giá vai trò của Giáo hội trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Chủ tọa là Đức Giáo hoàng Gioan XXIII.
Ngài thường nói rằng lý do ngài triệu tập công đồng là vì đã đến lúc phải mở toang các cánh cửa sổ để đón luồng không khí mới thổi vào. Đối với nhiều người Công giáo, luồng không khí mới đó đã thổi vào mạnh mẽ.
Kết quả của Vatican II là các linh mục bắt đầu cử hành Thánh lễ bằng ngôn ngữ bản địa và quay mặt về phía cộng đoàn. Giáo dân giờ đây không chỉ có nghe và xem như trước kia mà còn được mời gọi tham dự vào bởi vì họ là thành phần quan trọng trong việc cử hành Thánh lễ.
“Công Đồng Vatican II mời gọi mọi người không tham dự Thánh lễ một cách thụ động nhưng là cách tích cực - Tổng giám mục Gregory Aymond của New Orleans, chủ tịch Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nhận xét - Cầu nguyện không phải là một cuộc biểu diễn mà chúng ta có bổn phận tham dự một cách tích cực”.
Những thay đổi không chỉ dừng lại trong phạm vi Thánh lễ. Thời gian trôi qua, nhiều nữ tu bỏ những tu phục rộng thùng thình, thay vào đó là mặc quần áo giống như của những người mà họ phục vụ. Nam nữ tu sĩ bắt đầu đảm trách các công việc pháp lý, thậm chí có nguy cơ bị bắt giữ, khi họ lên tiếng ủng hộ quyền của công dân và công nhân và chống lại Cuộc chiến Việt Nam.
Những thay đổi như thế cho thấy một thái độ khác hẳn với cách tiếp cận mang tính phòng thủ của Giáo hội đối với thế giới trước Công đồng Vatican II, theo Christopher Baglow, giáo sư thần học tại Chủng viện Notre Dame ở New Orleans.
“Không phải Giáo hội không tận tâm với nhân phẩm trước Vatican II - vị giáo sư khẳng định - Với Vatican II, Giáo hội bắt đầu nhìn sâu sát hơn vào các cách mà các nhà tư tưởng hiện đại muốn thăng tiến phẩm giá con người và cho thấy cách họ và Tin mừng luôn kết hợp hài hòa với nhau”.
Với Vatican II, Giáo hội Công giáo đã phát đi thông điệp Giáo hội là một phần của thế giới hiện đại, theo Thomas Ryan, giám đốc Học viện Mục vụ Loyola. “Không chống lại, không ở trên và cũng không tách biệt, nhưng là nằm trong thế giới hiện đại. Giáo hội tìm cách dấn thân vào chứ không phải lên án”.
Các văn kiện của Công đồng nói rằng phải có đối thoại giữa Giáo hội và thế giới, Đức Tổng giám mục Aymond lưu ý. “Giáo hội, bằng việc giảng dạy và với cương vị tông đồ của mình, có những điều để nói với thế giới và đồng thời thế giới cũng có chuyện để nói với Giáo Hội”.
“Chúng ta không thể nói là chúng ta sẽ không dính líu đến những cuộc đối thoại này. Với tư cách là Giáo hội, chúng ta phải đối thoại với người khác bất kể họ có đồng ý hay không đồng ý với chúng ta” - Tổng Giám mục Aymond nói tiếp.
Sự thay đổi này bao gồm cả thái độ của Giáo hội Công giáo đối với các tôn giáo bạn nữa.
Trước Vatican II, người Công giáo không được đi thăm nơi thờ phượng của các giáo phái khác. “Người Công giáo khinh miệt các tôn giáo khác và nghĩ họ bị phạt xuống hỏa ngục” - Thomas Ryan cho biết.
Tuy nhiên, một văn kiện của Công đồng công nhận rằng các tính ngưỡng khác biệt này có một sự tin tưởng chung vào Thiên Chúa, Ryan nói và mô tả điều đó là “một cách tiếp cận mang tính cách mạng”.
Có lẽ thay đổi lớn nhất nằm ở cách nhìn của Giáo hội đối với Do Thái giáo. Trước Vatican II, người Do Thái bị kỳ thị như là người đã giết Chúa Giêsu. Điều này đã thay đổi trong Công đồng khi Giáo hội Công giáo thừa nhận nguồn gốc Do Thái giáo của mình và giao ước của người Do Thái với Thiên Chúa, Ryan lưu ý.
“Công đồng có ảnh hưởng lớn như mặt trời khi xuất hiện và phá tan đêm tối” - phát biểu của giáo sĩ Do Thái giáo Edward Cohn thuộc Đền Sinai ở New Orleans, người có người bạn thân thời niên thiếu phải xin phép tổng giám mục để tham dự nghi lễ đến tuổi trường thành (bar mitzvah) của mình. “Không có gì kịch tính hơn thế. Công đồng đã mở ra một ngày mới hoàn toàn và làm thay đổi mọi thứ”.
Không phải tất cả những thay đổi do Vatican II mang lại đều được đón nhận và nhiều người nói rằng không có đủ những thay đổi liên quan đến địa vị của phụ nữ.
Mới đây, cơ quan quan sát chính thức của Tòa Thánh đã phát động một cuộc xem xét toàn diện đối với một nhóm hoạt động lớn nhất gồm các nữ tu Hoa Kỳ, cáo buộc nhóm này đã lạm dụng chức vụ làm suy yếu giáo huấn của Giáo hội và cổ võ cho một vài “chủ thuyết nữ quyền cực đoan” không phù hợp với học thuyết Công giáo.
Mặc dù Vatican II là tác nhân làm thay đổi rất nhiều thứ nhưng ít người nhận ra điều đó. Tổng giám mục Aymond nhận định. Thập niên 1960 có nhiều thay đổi như biểu tình chống phân biệt chủng tộc, chiến tranh, hành vi tính dục, hiện trạng và quyền lực nói chung.
“Nếu điều đó tiếp tục đi vào thế giới và xã hội, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng trên Giáo hội vì chúng ta là một tổ chức vừa con người vừa thánh thiêng” ngài nhận xét.
Còn thần học gia Baglow tại Chủng viện Notre Dame cho rằng “Vatican II không nhằm thay thế những gì Giáo hội là, nhưng là để giúp Giáo hội trở nên như lòng Chúa mong ước”.
Tác giả bài viết: John Pope viết cho The Times-Picayune, New Orleans
Nguồn tin: ucanews.com
dongthanhtam.net
Bài liên quan
- Đức Phanxicô: “Chúng ta quá bận rộn đến nỗi không biết lắng nghe?”
- Hãy học biết lắng nghe nhau. Lắng nghe là một nhân đức nhân bàn và kitô
- Thánh Lễ là cuộc gặp gỡ tình yêu với Thiên Chúa
- Phải luôn luôn tha thứ cho nhau
- Thiên Chúa không thể không có con người
- Ðức Thánh Cha tuyên bố bổ nhiệm 5 Hồng Y mới
- Thiên Chúa biết tên từng người và Chúa không bỏ rơi một ai trong những tình cảnh đau khổ
- Lời nguyện của Ðức Thánh Cha trước Mẹ Fatima
- Đức Phanxicô trả lời cuộc phỏng vấn mới về nhiều vấn đề
- Ơn gọi kitô là sống yêu thương bác ái và tươi vui hy vọng
- Đức Thánh Cha Phanxicô, Giáo Lý Về Niềm Tin Tưởng Cậy Trông
- Thư Đức Thánh Cha gửi các bạn trẻ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét