SUY NIỆM CÁC NGÀY TRONG TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN

07:08 | Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016


THỨ HAI
KHÔN NGOAN VÀ KHÔN DẠI! (Mc 10,17-27)
Trong một dịp nói chuyện với các tu sĩ, một linh mục lớn tuổi được đề nghị chia sẻ về kinh nghiệm cầu nguyện của chính ngài. Lúc đầu ngài không muốn vì e rằng rơi vào tình trạng khoe khoang, nhưng sau khi mọi người thuyết phục trong tinh thần đạo đức, ngài đã nhận lời. Ngài chia sẻ rất nhiều ý tưởng, nhưng điều đáng chú ý nhất, ngoài lời cầu nguyện cho mọi người, ngài dâng lời cầu nguyện cho chính mình. Ngài nói: “Tôi thường xin Chúa cho tôi được ơn khôn ngoan, yêu mến Lời Chúa, can đảm đón nhận đau khổ, trung thành với ơn gọi và được chết lành đang lúc có ơn nghĩa với Chúa”.
Thật vậy, người khôn ngoan theo lối hiểu của Kinh Thánh chính là khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời, biết đặt cuộc đời mình trong thánh ý của Thiên Chúa chứ không phải tiền bạc, danh vọng và lợi thú… Biết tìm đến với kho tàng vĩnh cửu, chứ không bám víu và phụ thuộc vào những thứ mau qua, chóng hết ở đời.
Hôm nay, có một chàng thanh niên tốt lành đến để gặp Đức Giêsu nhằm xin Ngài chỉ cho con đường dẫn đến hạnh phúc. Thấy thế, Đức Giêsu đã đem lòng yêu mến và mời gọi anh đi theo mình trên con đường mà chính Ngài đang đi. Tuy nhiên, khi buộc phải để lại mọi sự cho người nghèo thì anh đã không dám và từ từ rút lui!
Như vậy, ơn cứu độ đã đến được với anh thanh niên này, nhưng anh đã để mất bởi sự tham lam, ích kỷ của mình. Anh ta đã coi tiền bạc, của cải là số một trong cuộc đời của anh, nên chính Chúa cũng không còn chỗ đứng nơi tâm hồn người thanh niên đáng thương này thì làm sao ơn cứu độ có thể đến được!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đặt bậc thang giá trị, và biết lựa chọn đúng để được hạnh phúc đời đời. Hãy cẩn trọng với vấn đề tiền bạc vì tiền bạc có thể sẽ là rào cản lớn chắn đường về trời nếu nó trở thành ông chủ.
Nếu bao lâu chúng ta vẫn còn chạy đua với đồng tiền, bất chấp mọi thủ đoạn để chiếm lĩnh, hay sống ích kỷ, dửng dưng với người nghèo khổ, thì bấy lâu lời mời gọi đánh đổi kho báu Nước Trời sẽ là lời mời gọi xa lạ với chúng ta.
Như thế, lẽ đương nhiên, chúng ta đánh mất kho tàng đích thực và trở thành người dại trước mặt Thiên Chúa vì: “Lợi lãi cả thế giới mà mất linh hồn thì còn ích gì?”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tìm đến với Chúa, vâng nghe và thực hành Lời Chúa, bởi Chúa chính là nguồn mạch khôn ngoan. Amen.
THỨ BA
THEO CHÚA TA ĐƯỢC GÌ? (Mc 10,28 –31)
Sự nguy hiểm của tiền bạc đã làm cho người thanh niên có tiếng là đạo đức lầm lũi ra đi, vì tiền của anh ở đâu thì lòng anh ở đó!
Thật là một sự xót xa cho số phận chàng thanh niên giàu có này! Thấy được sự nguy hiểm như vậy, nên  tiếp theo đó, Đức Giêsu đã thốt lên với các môn đệ: “Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao”; “Con lạc đà chiu qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước  Thiên Chúa”.
Nghe đến đây, các môn đệ hiểu được sự nguy hiểm của tiền của, tuy nhiên, nó đã làm cho các ông hoang mang, bởi vì khó như thế thì có lẽ không ai vào được! Vì vậy, Phêrô đã đứng lên thay lời anh em và thưa với Đức Giêsu rằng: “Thế thì ai có thể được cứu?”; “Và chúng con đã bỏ mọi sự để đi theo Thầy thì được gì?”. Để giải thoát cho các ông về sự lo lắng này, Đức Giêsu đã mặc khải cho các ông biết: đối với loài người thì không thể làm được, nhưng đối với Thiên Chúa thì hoàn toàn có thể. Vì ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa chứ không phải đến từ cố gắng hay phấn đấu thuần túy của con người. Nhân đây, Đức Giêsu cũng nói rõ để các môn đệ nhận ra những ân huệ mà Chúa ban cho những ai trung thành với Ngài, đó là sự sống đời sau.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết trung thành đi trên con đường Chúa đã đi, để chúng con gặp được Chúa là nguồn bình an, hạnh phúc ở cuối con đường cuộc đời trần gian. Amen.
THỨ TƯ
QUA SỰ CHẾT MỚI ĐẾN VINH QUANG (Mc 10, 32-45)
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay có thể ví như nước thủy triều dâng. Tại sao thế? Thưa! Vì Đức Giêsu đang tiến dần đến cái chết của Ngài. Ngài tiến gần cả về địa lý lẫn thời gian cũng như khung cảnh bề ngoài.
Về mặt địa lý, Ngài đang lên gần đến thành Giêrusalem;
Về thời gian, đây là thời điểm thuận lợi để những người Pharisêu, Kinh Sư và những kẻ không ưa Ngài dễ dàng thực hiện ý định giết Ngài;
Về tâm lý, việc Ngài giảng dạy hấp dẫn và những việc Ngài làm thu hút dân chúng, nên người ta không ngớt lời khen ngợi, đây là dịp châm ngòi cho sự ghen tương sẵn có nơi giới lãnh đạo Dothái.
Vì thế, Ngài đã loan báo lần cuối cùng về số phận của Người Tôi Trung: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị đánh đòn và bị giết chết”.
Chết là quy luật không thể bỏ qua cho những ai muốn sống. Không có sự chết, không có phục sinh. Nhưng điều quan trọng là chết như thế nào và làm sao phải chết? Đây mới là điều cốt lõi.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương Đức Giêsu, đó là vì yêu thương mà không chịu xã hội mua chuộc; không chấp nhận sợ tiếng chửi và ăn mày tiếng khen mà đánh mất tinh thần vâng phục cũng như sứ vụ cứu rỗi nhân loại… Vì thế, Đức Giêsu đã chấp nhận chết vì yêu, vì sứ vụ.
Mỗi người Kitô hữu cần phải xác định rõ quy luật tất yếu này là: nếu ta thuộc về Đức Kitô, ấy là chúng ta chấp nhận đi cùng Ngài để lội ngược dòng. Khi lội ngược dòng như thế, chúng ta sẽ không tránh khỏi sự thù nghịch, khinh khi, và ngay cả mạng sống.
Như Đức Giêsu, chúng ta chỉ có được sự sống viên mãn khi chấp nhận quy luật ngược đời như vậy mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, tin và theo Chúa thật không dễ! Nhưng xin cho con hiểu rằng, vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu chỉ có được nơi những tâm hồn trung thành đến cùng. Amen.
THỨ NĂM
NHẠY BÉN ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ (Mc 10,46-52)
Trước mỗi dấu chỉ hay sự kiện, mỗi người nhìn dưới góc độ khác nhau. Người thì trầm trồ khen ngợi; người thì chê bai không ngớt, kẻ thì dửng dưng…
Sự xuất hiện của Đức Giêsu cũng vậy. Ngài đi đến đâu cũng có nhiều người tin và theo Ngài, nhưng cũng không thiếu kẻ chống đối kịch liệt, lại có những người vô tình đến vô tâm, nên họ không cần quan tâm gì đến sự xuất hiện của Ngài.
Hôm nay, bài Tin Mừng trình thuật cho chúng ta thấy phản ứng nhạy bén của anh mù. Anh vừa nghe thấy nói là Đức Giêsu thành Nazarét, anh ta đã cố nhoi lên và không ngừng kêu xin: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi”. Lời kêu cầu này của anh mù không chỉ đơn thuần là lời van xin, mà còn là lời tuyên xưng niềm tin mãnh liệt của anh vào một Đức Giêsu đã được loan báo từ bao đời nay, hôm nay anh đã được gặp. Điều này đã được chứng minh bằng lời khen ngợi và sự chữa lành của Đức Giêsu: “Đức tin của anh đã cứu anh”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta về tinh thần sống đạo. Liệu trong cuộc sống, chúng ta có nhạy bén với Lời Chúa, với các dấu chỉ, hay nhiều khi chúng ta dửng dưng với những sứ điệp mà hằng ngày Thiên Chúa không ngừng gửi đến cho chúng ta qua nhiều hình thức???
Thực tế, nhiều khi thay vì nhạy bén và thi hành, chúng ta lại ngụy biện và phớt lờ như người không biết. Như vậy, anh mù trong bài Tin Mừng hôm nay chỉ mù về thể lý, còn tâm anh thì sáng, trong khi đó chúng ta thì ngược lại!
Lạy Chúa Giêsu, xin cho tâm hồn chúng con luôn biết nhạy bén với sứ điệp Lời Chúa, để chúng con thi hành và được cứu độ. Amen.
THỨ SÁU
TRẢ LẠI Ý NGHĨA ĐỀN THỜ (Mc 11, 11-25)
Khi nói đến Thiên Chúa, người ta nghĩ ngay đến bản chất của Ngài, đó là: Tình Yêu. Toàn bộ lịch sử cứu độ muốn nói lên phẩm tính đó nơi Thiên Chúa. Đến thời Đức Giêsu, từ lời nói đến hành động cũng đều nhằm diễn tả tính chân thực này.
Tuy nhiên, hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu lấy thừng làm roi, đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ và xô đổ bàn ghế của họ. Liệu cử chỉ này có bị mâu thuẫn với chính Đức Giêsu và lời dạy của Ngài trước đó không? Chúng ta cần trả lời ngay rằng: Không! Tại sao vậy?
Nếu Đức Giêsu làm lơ, thì họ sẽ hiểu sai mục đích của đền thờ và biến nó thành nơi buôn bán, gian tham, không đúng mục đích. Khi có buôn bán là sẽ có nhiều nguy cơ lọc lừa, trộm cướp…
Ngày nay cũng vậy, trong đời sống đức tin, nhiều người chỉ có vỏ mà không có chất lượng. Tức là chỉ có con người mà những phẩm tính tốt đẹp thì không có. Chỉ mang danh là Kitô hữu, còn làm chứng thì không, nên nhiều khi trong tâm hồn đủ thứ xấu xa tội lỗi!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta rằng: ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người là một đền thờ của Chúa Ba Ngôi. Đền thờ ấy phải là đền thờ sống động nhờ trong trắng, không gian tham, lọc lừa, trộm cắp, mưu mô, hận thù, ghen ghét.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa thanh tẩy linh hồn chúng con, để tấm lòng chúng con được sạch tội và trở nên trong trắng, ngõ hầu xứng đáng đón Chúa ngự vào trong tâm hồn mỗi ngày. Amen.
THỨ BẨY
AI HƠN AI? (Mc 11, 27-33)
Sau khi đánh đuổi con buôn trong đền thờ, Đức Giêsu bị các vị lãnh đạo Dothái đến chất vấn Ngài về nội dung việc đuổi dân chúng ra khỏi đền thờ. Đây cũng chính là một trong 5 cuộc tranh luận sôi nổi giữa Ngài với những người lãnh đạo Dothái trước khi chịu chết.
Khởi đi từ việc họ cất tiếng hỏi Đức Giêsu: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?”. Đây là câu hỏi ranh mãnh và đầy nguy hiểm. Nếu Đức Giêsu trả lời là Ngài tự ý lấy quyền của riêng mình mà làm vậy, thì họ ngay lập tức có lý để bắt Ngài vì những lời nói đầy ngông cuồng. Nếu Ngài nói là lấy quyền của Thiên Chúa thì họ cũng thừa cớ để loại trừ Ngài vì những lời nói lộng ngôn.
Tuy nhiên, tình thế được lật ngược khi Đức Giêsu đặt họ vào một thế bí khi thức tỉnh lương tâm bằng câu hỏi: “Theo ý các ông, thì công việc của Gioan Tẩy giả là theo ý người ta hay theo ý muốn của Thiên Chúa?”. Câu hỏi này đã đẩy họ vào đường cùng, khiến họ gặp phải một nan đề khó giải quyết, bởi lẽ, nếu trả lời là đến từ Thiên Chúa thì họ đoán trước có thể sẽ bị Đức Giêsu nói rằng: tại sao các ông lại chống? Hay nếu đến từ Thiên Chúa thì tại sao không tin Gioan đã làm chứng về Ngài? Và tại sao không công nhận Ngài là Mêsia? Còn nếu nói là đến từ con người thì chắc chắn họ bị dân chúng chống đối và phản loạn, bởi vì Gioan được coi như Ngôn Sứ và là chứng nhân. Đứng trước tình thế bí bách đó, họ chỉ còn biết thốt lên: chúng tôi không biết!
Khi sự thật lên ngôi thì những sự gian trá ranh mãnh phải lui về vị trí của chúng.
Trong xã hội hôm nay vẫn còn đó những người sống giả hình, man trá, tránh né hoặc trốn chạy sự thật. Khi không chấp nhận chân lý, thì họ chỉ còn sống trên sự tàn ác, độc địa, giã tâm khi bóp méo sự thật, bẻ cong ngòi bút để dồn anh chị em chúng ta vào chân tường.
Tuy nhiên, cũng như những nhà lãnh đạo Dothái thời bấy giờ. Nếu không dám đối diện với sự thật và nâng đỡ nhau trong chân lý, thì ắt sẽ lãnh nhận hậu quả là rơi vào trong tình trạng tuyệt vọng và đáng xấu hổ, lầm lũi ra về.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay sẽ đánh thức lương tâm của mỗi người, nếu chúng ta đang sống trong sự giả trá, thiếu chân thành và không phục thiện.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết sống đơn sơ, chân thành để gặp được Chúa và thuộc về Chúa để được sống đời đời. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Read more…

Hai giờ trong mưa

07:13 | Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016
“Nhờ thực hành việc cầu nguyện, học thuyết Ba Ngôi trở nên sống động trong cuộc sinh hoạt hằng ngày của chúng ta”.
Ở Luân Ðôn có một công viên là Hyde Park. Ðây là nơi thuận tiện cho các diễn giả ngoài phố xá. Vào chiều Chúa nhật, bạn có thể đến đó nghe đủ thứ câu chuyện về mọi chủ đề dưới bầu trời này. Người ta bàn từ chính trị cho đến tôn giáo. Frank Sheed, một giáo dân Công giáo nổi tiếng sống ở Anh thường hay đến đó bàn luận về tôn giáo. Ông nói ông có thể cầm giữ một đám đông suốt hai giờ đồng hồ trong mưa khi ông nói về Ba Ngôi.
Nhận xét của Sheed thật thú vị vì nó nêu lên được một điểm quan trọng: Quả là người ta chú tâm đến Ba Ngôi, họ muốn hỏi thêm về Ba Ngôi, họ muốn làm cho Ba Ngôi sống động trong cuộc sinh hoạt thường nhật của họ. Nhưng rủi thay, có rất ít bản văn được viết về Ba Ngôi, và rất ít bài giảng lễ chú tâm về mầu nhiệm Ba Ngôi. Ngay cả khi đọc một bản văn hoặc nghe giảng lễ về Ba Ngôi anh chị em cũng thường cảm thấy chán ngắt. Ðiều này có thể hiểu được bởi vì khi chúng ta nói về Ba Ngôi là chúng ta đang có nói về một mầu nhiệm sâu thẳm.
Thánh Kinh có bàn nhiều về “mầu nhiệm Ba Ngôi”. Ðặc biệt Phúc âm thánh Gioan nói về Cha Ðức Giêsu và Chúa Thánh Linh. Có lẽ câu văn nổi tiếng nhất bàn về Ba Ngôi được tìm thấy trong Phúc âm Matthêu khi Chúa Giêsu truyền bảo các môn đệ:
“Các con hãy đi khắp muôn dân và làm cho họ thành môn đệ Ta: Hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28: 19). Tuy nhiên hình ảnh đặc trưng nhất về Ba Ngôi lại xảy ra khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Lúc đó một hình chim bồ câu bay lượn trên Chúa Giêsu, một tiếng từ trời phán ra: “Con là Con Ta yêu dấu” (Mt 1: 11). Tiếng nói, chim bồ câu và Chúa Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên một chân dung sống động về Ba Ngôi.
Thánh Phaolô cũng có bàn về Ba Ngôi. đoạn văn đựơc biết nhiều nhất là câu chúc lành nổi tiếng chúng ta gặp thấy trong bài đọc thứ hai hôm nay: “Ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Linh ở cùng tất cả anh chị em”. Và thánh Luca trong sách Công Vụ Tông đồ cũng như trong Phúc âm của mình cũng đã nhìn lịch sử cứu độ của chúng ta như một viễn cảnh mang chiều kích Ba Ngôi.
Thời kỳ Cựu Ước là kỷ nguyên của Chúa Cha, thời rao giảng Phúc âm là kỷ nguyên của Chúa Con và thời kỳ hậu Phúc âm mà sách Công vụ sứ đồ ghi lại là thời kỳ của Chúa Thánh Linh. Kinh Tin Kính chúng ta đọc ở mỗi Thánh lễ Chủ nhật bảo tồn mẫu tuyên xưng này. Mẫu này khởi đầu với Chúa Cha như là Ðấng sáng tạo chuyển sang Chúa Con như là Ðấng Cứu Chuộc, và kết thúc với Chúa Thánh Linh như là Ðấng ban nguồn sống. Tuy nhiên chúng ta không được quên rằng hễ Chúa Cha ở đâu thì Chúa Con và Chúa Thánh Linh cũng ở đó. Ba Ngôi luôn luôn là mầu nhiệm thâm sâu của sự vừa đơn nhất vừa đa dạng.
Khi thuyết giảng tại công viên Hyde Park, Frank Sheed đã dùng mưa rơi để cố gắng giúp người ta hiểu được sự vừa đơn nhất vừa đa dạng của Ba Ngôi. ông thường nói: “Nước đang rơi đây thực là nước nhưng nó có thể hiện hữu dưới ba dạng: thể hơi, thể rắn, và thể lỏng – nghĩa là dạng hơi nước, dạng băng, và dạng mưa đang rơi đây”.
Dĩ nhiên tất cả mọi cách loại suy đều không thể nói lên tất cả thực tại, tuy nhiên tôi nghĩ rằng anh chị em thấy được chủ ý của Frank muốn nói là không phải có ba loại nước, mà chỉ có một loại nước nhưng nó hiện hữu trong ba dạng khác nhau. Chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa một cách tương tự như thế. Một phương cách khác giúp ta hiểu được sự vừa đơn nhất vừa đa dạng của Ba Ngôi là ví dụ thánh Ignatiô Loyola thường dùng. Có một lần trong lúc cầu nguyện, Ngài bỗng nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất.
Và cuối cùng, chúng ta cũng nhìn thấy Thánh Patrick thường dùng ba lá của loại xa trục thảo (3 lá ghép thành một) để diễn tả ý niệm Ba Ngôi.
Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng tất cả những điều nói trên vào hành động cụ thể? Chúng ta có thể làm gì để Ba Ngôi sống động hơn trong cuộc sống riêng tư của chúng ta? Có phương cách mà một số người cho là hữu ích đó là cầu nguyện mỗi tối trước khi đi ngủ. Họ dùng ba phút để hồi tâm về một ngày vừa chấm dứt.
*  Phút thứ nhất, họ rút ra những điểm hay tốt trong ngày – chẳng hạn giữ được bình tĩnh khi bị vu khống – và họ thưa lên Chúa Cha đồng thời cảm ơn Ngài về điều ấy.
*  Phút thứ hai, họ rút ra những điểm dở – chẳng hạn làm lơ một người nào đó đang thực sự cần được giúp đỡ. Họ thưa với Chúa Giêsu điều này và cầu xin Ngài tha thứ.
*  Phút thứ ba, họ nhìn về ngày mai, nhớ đến một điểm cam go hiện thời, chẳng hạn phải đương đầu với ai đó về một sự việc gì. Họ thưa với Chúa Thánh Linh điều ấy và cầu xin Ngài ơn khôn ngoan và lòng can đảm để xử lý cho thích đáng.
Như quí vị thấy đó, việc thực hành này bao gồm cả sự cầu nguyện lẫn sự xét mình. tuy nhiên, quan trọng hơn, việc thực hành này mang Ba Ngôi Chí Thánh vào cốt lõi cuộc sống thường nhật của chúng ta.
Tôi xin đề nghị với anh chị em là trong tuần lễ tới, anh chị em hãy dành riêng ba phút mỗi tối và cố gắng thực hành việc cầu nguyện theo cách thức này để tôn vinh Ba Ngôi.
Chúng ta hãy kết thúc với nghi thức mang chiều kích Ba Ngôi Thiên Chúa, là làm dấu Thánh giá trên người. Nghi thức này đã trở nên nhãn hiệu của đức tin chúng ta: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen”.


Cha Mark link S.J.
Read more…

Làm sao nhận biết ý Chúa?

06:39 | Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016
Cuộc sống đầy những chuyện chúng ta phải quyết định. Nhận ra Ý Chúa là điều không dễ, nhưng rất cần biết Ý Chúa để có thể làm đúng Tôn Ý Ngài. Chúa có buồn khi tôi bê trễ công việc? Chúng ta có những khái niệm về sự thật, nhưng làm sao chúng ta biết chắc rằng các ý tưởng đó xuất phát từ Thiên Chúa? Đôi khi rất khó phân biệt ý Chúa hay ý mình.
Nếu sự thôi thúc của chúng ta thực sự do kẻ thù của linh hồn chứ không từ Thiên Chúa thì sao? Làm sao chúng ta “bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi tới chỗ vâng phục Đức Kitô” (2 Cr 10:5) khi chúng ta không chắc các ý tưởng đó xuất phát từ đâu? Thiên Chúa nói với mỗi người bằng nhiều cách. Ngài biết chúng ta sẽ đáp lại thế nào và Ngài sẽ dùng bất kỳ cách nào cần thiết để đạt tới chúng ta.
Có những cách Thiên Chúa thường giao tiếp với chúng ta: Qua lời cầu nguyện, qua Kinh Thánh, hoặc qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần,… Cũng vậy, Thiên Chúa có thể dùng một người khuyên nhủ (Cn 12:15) để bạn nhận ra Ý Chúa. Nếu Thiên Chúa muốn nói với chúng ta, không gì có thể ngăn cản Ngài. Ngài có thể dùng một cách, mọi cách, hoặc kết hợp các cách để chúng ta nhận biết Ngài, nhưng có một điều tương tự: Trách nhiệm của chúng ta là LẮNG NGHE và VÂNG LỜI.
  1. CẦU NGUYỆN
Để có thể nhận biết Ý Chúa, điều đầu tiên là phải luôn luôn cầu nguyện. Thiên Chúa vẫn lắng nghe và bạn không thể biết khi nào sẽ Ngài đáp lại!
Cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa, là cuộc nói chuyện hai chiều, chúng ta nói thì Chúa nghe và chúng ta im lặng khi Chúa nói – tức là lắng nghe Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta “phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống” (Gc 1:6). Nếu không có lòng tin, chúng ta sẽ “không nhận được cái gì của Chúa” (Gc 1:7). Chúng ta phải kiên trì cầu nguyện (Mt 13:16-17).
Hãy nói chuyện với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện và chăm chú lắng nghe cách trả lời của Ngài. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng đôi khi Ngài không trả lời theo ý chúng ta muốn. Ngài biết những gì chúng ta cần vào bất kỳ thời điểm nào, và Ngài sẽ cho chúng ta biết vào lúc tốt nhất.
Thiên Chúa thường nói trong những lúc chúng ta cầu nguyện và thờ phượng. Hãy tận dụng các giờ phụng vụ. Nghe Thánh ca cũng là cách lắng nghe tiếng Chúa!
  1. ĐỌC KINH THÁNH
Đọc Kinh Thánh là tìm hiểu Lời Chúa, đó là cách tốt nhất để nhận biết Chúa và nhận ra cách xử lý của Ngài qua lịch sử cuộc đời. Kinh Thánh được Chúa Thánh Thần linh hứng: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2 Tm 3:16-17).
Càng quen biết với cách hoạt động của Thiên Chúa, ý muốn của Ngài, và những điều Ngài đã nói trong quá khứ, chúng ta càng có thể nhận biết điều Ngài đang nói với chúng ta trong hiện tại. Khi chúng ta nói với Ngài qua việc cầu nguyện, Ngài sẽ thường xuyên nói với chúng ta qua Lời Chúa (Kinh Thánh). Khi đọc Lời Chúa thì chúng ta phải lắng nghe. Kinh Thánh chính là lời Chúa nói với bạn. Có nhiều câu nói về Ý Chúa trên một trang hơn là bạn sẽ gặp ở đâu đó trong cuộc sống. Hãy tận dụng Kinh Thánh!
Kinh Thánh phong phú về sự cảm hứng và sự hiểu biết, nhưng có những sách đạo đức cũng rất tốt vì được các tác giải viết những ngôn từ tốt đẹp về Ý Chúa. Hãy đọc các sách đạo đức, gọi là đọc sách thiêng thiêng, để biết cách Thiên Chúa hành động trong cuộc đời của chúng ta!
  1. LẮNG NGHE CHÚA
Lắng nghe thì phải im lặng, và để Chúa Thánh Thần tác động. Thường thì người ta không thích im lặng. Ai ít nói còn bị người ta chê trách. Thế giới có thể ồn ào, náo nhiệt, và vội vã, Thiên Chúa không ở nơi đó. Hãy tìm nơi nào đó tĩnh lặng để đắm chìm vào suy tư. “Sa mạc tâm hồn” là nơi Ý Chúa có thể trở nên rõ ràng. Lắng nghe Chúa để có thể nhận diện chính mình. Chúng ta cũng nên biết rằng Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta ngay trong chính nội tâm của chúng ta. Hãy tự biết điểm mạnh và điểm yếu của mình, rồi hành động, Ý Chúa dành cho bạn sẽ sáng tỏ!
Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa – Thánh Linh có trí tuệ, cảm xúc và ý muốn. Ngài luôn ở bên chúng ta, không thể trốn khỏi Ngài (Tv 139:7-8). Mục đích của Ngài là can thiệp giúp chúng ta (Rm 8:26-27) và quyết định để làm lợi cho Giáo hội (1 Cr 12:7-11). Nếu chúng ta cầu xin thì Ngài sẽ ban cho Đấng Bảo Trợ (Ga 14:16).
Khi chúng ta cảm thấy được Thiên Chúa hướng dẫn, chúng ta cần duy trì khôn ngoan (Cn 4:7), và phải “cân nhắc các thần khí” (1 Ga 4:1). Thế gian đầy sự ồn ào và sự xao lãng, và trí óc chúng ta cũng vậy. Sự sống trên trái đất là cuộc chiến đấu tâm linh. Kẻ thù luôn tìm cách làm chúng ta xa rời Thiên Chúa, vì thế mà phải cảnh giác: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8). Chúng ta phải cảnh giác để biết rõ điều chúng ta nghe chứ không là cảm xúc, tức là điều thực sự từ Thiên Chúa.
  1. TÌM KIẾM KHÔN NGOAN
Nghe chừng ngớ ngẩn, nhưng chúng ta thường bỏ lỡ sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa chỉ vì chúng ta không chú ý. Hãy biết rằng Thiên Chúa có thể bước vào cuộc đời chúng ta và thay đổi cuộc đời chúng ta bất kỳ lúc nào, muốn vậy thì chúng ta phải để cho Ngài hành động.
Vua Salômôn được khôn ngoan là nhờ biết cầu xin. Chúa Giêsu đã xác định: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7:7-8; Lc 11:9-10). Cầu nguyện là khéo léo nắm bắt cơ hội!
  1. ĐỐI THOẠI
Những người ở xung quanh bạn có thể nhận biết Ý Chúa dành cho bạn! Họ biết kỹ năng của bạn, niềm vui, nỗi buồn và khuyết điểm của bạn. Họ có thể khách quan nhận ra bạn có năng khiếu gì, và rất có thể Chúa đang dùng tài năng của bạn để hành động theo Ý Ngài. Nói chuyện với họ, bạn có thể được soi sáng về Ý Chúa dành cho bạn!
Hãy nhớ rằng Thiên Chúa muốn cho chúng ta biết con đường đúng đắn mà đi. Ngài không giấu ý Ngài đối với những ai tìm kiếm Ngài. Ngôn sứ Isaia nói: “Khi ngươi lưỡng lự không biết quẹo phải hay trái, tai ngươi sẽ được nghe một tiếng nói từ phía sau: Đây là đường, cứ đi theo đó!” (Is 30:21).
Ngoài ra, đây là vài điều cần thiết khác khi chúng ta muốn biết có phải Ý Chúa hay không: [1] “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa gây hỗn loạn, nhưng là Thiên Chúa tạo bình an” (1 Cr 14:33), [2] “Hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa” (Gl 5:16).
Ngoài việc cầu nguyện, tìm hiểu Lời Chúa, lắng nghe Chúa Thánh Thần, tìm kiếm khôn ngoan và đối thoại, có thể bạn cần lời khuyên của một người bạn, của gia đình, của người cố vấn hoặc linh hướng: “Thiếu bàn bạc, chương trình đổ vỡ; nhiều cố vấn, ắt sẽ thành công” (Cn 15:22).
Thiên Chúa không muốn chúng ta thất bại. Chúng ta càng lắng nghe Chúa, chúng ta càng có thể phân biệt tiếng Chúa với tiếng của thế gian. Chúa Giêsu đã nói: “Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh” (Ga 10:4). Ngài xác định: “Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ” (Ga 10:8). Chúng ta càng nhận biết Chúa Chiên Lành, chúng ta càng ít chú ý tiếng nói sai trái.
TRẦM THIÊN THU(Chuyển ngữ từ GotQuestions.org và Beliefnet.com)
Read more…

Người nghèo nhắc cho người giầu nhớ tới Thiên Chúa

19:22 | Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016
Người nghèo nhắc cho người giầu nhớ tới Thiên Chúa và mở rộng con tim cho tha nhân
Ông nhà giầu không bị kết án vì các của cải của mình, nhưng vì đã không có khả năng cảm thương và cứu giúp Ladarô, đại diện cho tiếng kêu thầm lặng của người nghèo thuộc mọi thời đại và sự mâu thuẫn của một thế giới, trong đó các của cải và tài nguyên mênh mông nằm trong tay một ít người.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 70.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chúng sáng thứ tư hằng tuần hôm qua.
Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển ý nghĩa dụ ngôn ông nhà giầu và ông Ladarô nghèo. Ngài nói: cuộc sống của hai người này xem ra chạy trên hai đường rầy song song: các điều kiện sống của họ đối nghịch nhau và hoàn toàn không truyền thông. Cửa nhà của ông nhà giầu luôn luôn đóng kín đối với người nghèo nằm bên ngoài, tìm ăn vài thứ thừa từ bàn của ông nhà giầu. Ông này mặc quần áo sang trọng, trong khi ông Ladarô người đầy vết thương; ông nhà giầu ăn tiệc rộn ràng mỗi ngày, trong khi Ladarô  chết đói. Chỉ có chó tới liếm các vết thương của ông. Cảnh này nhắc lại lời quở trách nặng nề của Con Người trong ngày sau hết: “Ta đã đói và các ngươi không cho ăn, đã khát và các ngươi đã không cho uống, đã trần truồng và các ngươi đã không cho mặc” (Mt 25,42-43). ĐTC nhận định như sau:
Ông Ladarô diễn tả tiếng kêu của các người nghèo thuộc mọi thời đại và sự mâu thuẫn của một thế giới, trong đó các của cải và tài nguyên mênh mông nằm trong tay một ít người.
Chúa Giêsu nói rằng một ngày kia ông nhà giầu chết: người nghèo và người giầu chết, họ đều có cùng số phận. Tất cả chúng ta đều chết. Không có luật trừ cho điều này. Và khi đó ông nhà giầu hướng tới tổ phụ Abraham khẩn nài ngài với tên gọi là “cha” (cc.24.27). Như vậy, ông đòi là con của người, thuộc dân Thiên Chúa. Thế nhưng trong cuộc sống ông đã không cho thấy sự chú ý nào tới Thiên Chúa, trái lại ông đã lấy chính mình làm trung tâm của mọi sự, đóng kín trong thế giới sang trọng và phung phí của ông. Khi loại trừ Ladarô, ông đã không để ý gì đến Chúa, cũng như lề luật của Ngài. Không biết đến người nghèo là khinh dể Thiên Chúa! Chúng ta phải học cho kỹ điều này: không biết tới người nghèo là khinh dể Thiên Chúa!
Có một đặc điểm cần ghi nhận trong dụ ngôn: đó là người giầu không có tên, chỉ có tính từ người giầu thôi, trong khi tên của người nghèo được lặp lại tới 5 lần và “Ladarô” có nghĩa là  “Thiên Chúa trợ giúp”. Ông Ladarô nằm trước cửa, là một lời nhắc nhở sống động cho người giầu nhớ tới Thiên Chúa, nhưng ông nhà giầu không tiếp nhận lời nhắc nhở ấy. Ông sẽ bị kết án không phải vì của cải của ông, mà bởi vì ông đã không có khả năng cảm thương đối với Ladarô và cứu giúp Ladarô.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong phần hai của dụ ngôn chúng ta thấy ông Ladarô và ông nhà giầu sau khi chết (cc.22-31). Trong cuộc sống bên kia tình hình đảo ngược: ông Ladarô nghèo được các thiên thần đem lên trời gần tổ phụ Abraham, còn ông nhà giầu trái lại bị ném xuống giữa các cực hình. Khi đó ông nhà giầu hướng mắt lên và trông thấy tổ phụ Abraham ở xa xa, và ông Ladarô bên cạnh. Xem ra ông trông thấy Ladarô lần đầu tiên, nhưng các lời ông nói phản bội ông: “Lậy cha Abraham – ông nói – xin thương xót con và gửi Ladarô - ông đã biết Ladarô mà - xin gửi Ladarô nhúng ngón tay vào nước và nhỏ trên lưỡi con cho mát, bởi vì con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”.
Bây giờ ông nhà giầu nhận ra Ladarô và xin ông ta trợ giúp, trong khi còn sống ông giả bộ không biết tới ông ấy. Có biết bao lần – biết bao lần – biết bao người giả bộ không trông thấy các người nghèo! Đối với họ không có người nghèo.
Trước đây ông từ chối ông Ladarô cả thức ăn thừa từ bàn của ông, mà giờ đây ông muốn ông ta cho mình uống nước. Ông còn tin là mình có thể ỷ vào quyền vì điều kiện xã hội trước kia của ông. Khi tuyên bố không thể nhận lời xin của ông chính tổ phụ Abraham cống hiến chià khóa của toàn trình thuật: người giải thích rằng các điều lành điều ác đã được phân chia để bù trừ sư bất công trên trần gian, và cánh cửa chia cách ông nhà giầu và người nghèo trong cuộc sống đã biến thành “một vực thẳm”. Cho tới khi ông Ladarô còn ở dưới cửa nhà mình, thì ông nhà giầu có khả thể  cứu rỗi: mở toang cửa ra và trợ giúp ông Ladarô… nhưng giờ đây khi cả hai người đã chết, tình trạng đã trở thành không thể sửa chữa được nữa. Thiên Chúa đã không bao giờ được gọi vào cuộc một cách trực tiếp, nhưng dụ ngôn cảnh giác một cách rõ ràng: lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta gắn liền với lòng thương xót của chúng ta đối với người lân cận; khi thiếu điều này, thì điều kia cũng không tìm ra chỗ trong con tim khép kín của chúng ta, không thể vào được. Nếu tôi không mở toang cửa con tim ra cho người nghèo, cánh cửa đóng kín ấy. Cho cả Thiên Chúa nữa. Và điều này thật là kinh khủng!
Tới đây ông nhà giầu nghĩ tới các anh em ông có nguy cơ kết thúc như ông, và ông xin cho ông Ladarô có thể trở lại trần gian để cảnh cáo họ. Nhưng tổ phụ Abraham trả lời: “Họ có ông Môshê và các ngôn sứ, hãy lắng nghe các vị”. Rồi ĐTC khẳng định:
Để hoán cải, chúng ta không được chờ đợi các biến cố lạ lùng, nhưng phải mở lòng cho Lời Chúa mời gọi chúng ta yêu thương Thiên Chúa và người lân cận. Lời Thiên Chúa có thể làm sống lại một con tim khô cằn, và chữa lành nó khỏi mù quáng. Ông nhà giầu đã biết Lời Chúa, nhưng đã không lắng nghe, ông đã không đón nhận nó trong tim, không để nó vào trong con tim, không lắng nghe nó, và vì thế đã không có khả năng mở mắt và cảm thương người nghèo. Không có sứ giả và sứ điệp nào có thể thay thế người nghèo mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời, bởi vì chính nơi họ mà Chúa Giêsu đến găp gỡ chúng ta: “Tất cả những gì các ngươi đã làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy là đã làm cho chính Thầy” (Mt 25,40), Chúa Giêsu nói. Như thế, trong việc lật ngược các số phận mà dụ ngôn miêu tả, dấu ẩn mầu nhiệm ơn cứu rỗi của chúng ta, trong đó Chúa Kitô kết hiệp nghèo túng với lòng thương xót. Anh chị em thân mến, khi lắng nghe Phúc Âm chúng ta tất cả, cùng với các người nghèo của trái đất, chúng ta có thể hát lên với Mẹ Maria: “Nguời đã lật đổ ngai của các kẻ quyền thế, kẻ mọn hèn Người đã nâng cao; Người đã ban của đầy dư cho kẻ đói nghèo, người giầu có đã đuổi về tay không” (Lc 1,52-53).
ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau. Trong số các nhóm tiếng Pháp có nhóm các chủng sinh Strasbourg, phái đoàn Đức Bà La Salette, và Thánh Bernardo Thụy Sĩ. Cũng có các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Ailen, Malta, Nga, Slovachia, Ấn Độ, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản và Hoa Kỳ. ĐTC cầu chúc Năm Thánh Lòng Thương Xót là dịp giúp mọi người canh tân tinh thần và là thời gian ơn thánh cho họ và gia đình họ.
Trong số các nhóm nói tiếng Đức có đoàn hành hương giáo phận Ausburg và các trẻ em giúp lễ giáo phận Eichstaett, cũng như các giáo sư phân khoa thần học Paderborn.
Trong số các đoàn hành hương nói tiếng Bồ Đào Nha có các nữ tu Phansinh bệnh viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và tín hữu các giáo xứ Porto Nacional và Povoa de Varzim. Ngài chúc cuộc hành hương đến mộ hai Thánh Tông Đồ giúp họ củng cố cảm thức về Giáo Hội, và học được nơi Mẹ Maria cách đọc hiểu các dấu chỉ của Thiên Chúa trong lịch sử để xây dựng một nhân loại mới. Trong số các nhóm đến từ Trung Đông có nhóm tín hữu Ai Cập. Ngài cầu chúc mọi người hiểu biết và sống Thánh Kinh để biết sống thương xót.
Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua là ngày kỷ niệm thánh sinh nhật của Gioan Phaolô II. Ngài hiệp ý với tổng thống và binh sĩ Ba Lan tham dự thánh lễ tại nghĩa trang Montecassino cầu nguyện cho các binh sĩ tử trận hồi đệ nhị thế chiến, cũng như những người tham dự lễ thánh hiến đền thánh “Trinh Nữ Maria Ngôi sao của việc tái truyền giảng Tin Mừng và của thánh Gioan Phaolô II” tại Torun. Ngài cầu mong đây là dịp tín hữu cầu nguyện cho hoà bình thế giới và sự thịnh vượng của Ba Lan.
Chào các trẻ em mồ côi và người tỵ nạn Ucraina vì chiến tranh, ĐTC cầu mong hoà bình sớm trở lại với người dân của đất nước này qua lời bầu cử của Mẹ Maria.
Tiếp đến ngài đã chào các đoàn hành hương các giáo phận Prato Tempio- Ampurias, Matera Irsina do các Giám Mục sở tại hướng dẫn. Ngài cũng chào các linh mục của Giáo Hội Chính Thống Nga, khách của Hội Đồng Toà Thánh hiệp nhất các kitô hữu, các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế, trẻ em nhà thương Chúa Hài Đồng Giêsu,  người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ngài khuyến khích người trẻ noi gương thánh Phanxico di Paola sống khiêm tốn, vì khiêm tốn là sức mạnh chứ không phải là sự yếu đuối. Ngài nhắn nhủ các bệnh nhân đừng bao giờ quên xin Chúa trợ giúp trong lúc khổ đau, và ĐTC khích lệ các đôi tân hôn noi gương các thánh thi đua yêu thương nhau.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
Nguồn: VietVatican
Read more…

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới truyền giáo 90

18:24 | Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016
VATICAN. Trong sứ điệp nhân ngày thế giới truyền giáo lần thứ 90, ĐTC đề cao vai trò của phụ nữ và các gia đình trong việc biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa.
 Ngày thế giới truyền giáo năm nay sẽ được cử hành vào chúa nhật 23 tháng 10 tới đây với chủ đề ”Giáo hội thừa sai, chứng nhân lòng thương xót”. Trong sứ điệp công bố hôm chúa nhật 15-5-2016 để chuẩn bị cho ngày đó, sau khi nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, ĐTC khẳng định rằng:
 ”Khi đón nhận và theo Chúa Giêsu qua Tin Mừng và các bí tích, nhờ tác động của Chúa Thánh Linh, chúng ta có thể trở nên người có lòng thương xót như Cha chúng ta trên trời, học yêu thương như Chúa yêu thương chúng ta và biến cuộc sống chúng ta trở thành một món quà nhưng không, dấu chỉ lòng nhân lành của Ngài” (Misericordiae Vultus 3).”
 ĐTC cũng nhận xét rằng ”Có bao nhiêu người nam nữ thuộc mọi lứa tuổi và giai tầng xã hội, đã và đang làm chứng về tình yêu thương xót của Chúa, như trong thời kỳ đầu qua kinh nghiệm của Giáo Hội. Dấu chỉ hùng hồn về tình yêu thương từ mẫu của Thiên Chúa là sự hiện diện gia tăng đáng kể của nữ giới trong thế giới truyền giáo, bên cạnh sự hiện diện của nam giới. Các phụ nữ, nữ giáo dân và các người nữ thánh hiến, và ngày nay cũng có nhiều gia đình, đang thực thi ơn gọi truyền giáo của họ dưới nhiều hình thức khác nhau: từ việc trực tiếp rao giảng Tin Mừng cho đến các dịch vụ bác ái.”
 ”Bên cạnh hoạt động loan báo Tin Mừng và cử hành các bí tích do các nam thừa sai đảm nhận, cũng có các phụ nữ và các gia đình hiểu biết một cách thích hợp hơn các vấn đề của dân chúng và biết đương đầu với các vấn đề ấy một cách thích hợp, và đôi khi một cách ”chưa từng có”: qua sự chăm sóc cuộc sống, đặc biết chú ý đến con người hơn là các cơ cấu, tận dụng mọi tài nguyên nhân bản và tinh thần để xây dựng sự hòa hợp, các quan hệ, hòa bình, liên đới, cộng tác và tình huynh đệ, trong lãnh vực các tương quan giữa con người với nhau, cũng như trong lãnh vực rộng hơn lớn của đời sống xã hội và văn hóa, nhất là việc chăm sóc người nghèo”.
 Trong phần cuối của sứ điệp, ĐTC nhắc lại sự kiện trong Năm Thánh này, có dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Ngày Thế Giới truyền giáo, do Hội Giáo Hoàng truyền bá đức tin, đề xướng và được ĐGH Piô 11 phê chuẩn năm 1926.. ĐTC cho biết ngài tiếp nối truyền thống của các vị tiền nhiệm, cổ võ cuộc lạc quyên tại các giáo phận, giáo xứ, dòng tu, các hiệp hội và phong trào của Giáo Hội để giúp đỡ các cộng đoàn Kitô túng thiếu và để đẩy mạnh việc loan báo Tin Mừng cho đến tận bờ cõi trái đất” (SD 15-5-2016)
 G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: VietVatican
Read more…

Nguồn gốc tháng Hoa kính Đức Mẹ

09:24 | Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016
download (1) Là người Công giáo tại Việt Nam, nhất là những ai đã lớn lên trong một xứ đạo miền Bắc, Trung hoặc Nam, có lẽ họ không lạ gì sinh hoạt tôn giáo trong tháng Năm, tháng Hoa Đức Mẹ.
Khi ngàn hoa xanh, đỏ, trắng, tím, vàng nở rộ trong cánh đồng, thì con cái Mẹ cũng chuẩn bị cho những đội dâng hoa, những cuộc rước kiệu, để tôn vinh Mẹ trên trời. Những điệu ca quen thuộc trìu mến bỗng nổi dậy trong tâm hồn cách thân thương, nhất là bài “Đây Tháng Hoa” của nhạc sĩ Duy Tân với điệu 2/4 nhịp nhàng:
ĐK. Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà. Dâng tiến hoa lòng mến dâng lời cung chúc. Hương sắc bay tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc. Muôn tháng qua lòng mến yêu Mẹ không nhòa.
1. Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần. Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng. Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời. Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.
2. Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về. Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi. Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ. Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời.
Tháng Hoa có từ đời nào? Do ai khởi xướng?
Gốc tích như thế này:
Vào những thế kỷ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa Đông dài của thiên nhiên bằng việc tổ chức gọi những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân.
Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên khi tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.
Có nơi người ta tổ chức các cuộc “Rước xanh”. Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ. Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.
Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.
Thánh Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.
Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh. Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.
Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.
Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ. Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công. Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.
Đức Giáo hoàng Piô XII, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, cho “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ”.
Đức Giáo hoàng Phaolô VI, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết:
“Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để “bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng.
Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ.” (Dictionary of Mary, Catholic book Pub. 1985, tr. 236)
Một mẫu chuyện cũ đáng suy nghĩ:
Ở thành Nancêniô trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu. Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan. Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình , nhưng chồng cứng lòng mãi.
Năm ấy, đầu tháng Hoa kính Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ. Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con. Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.
Ngày 15 tháng Sáu năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục. Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa. Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Vianey.
Ngài là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người xem là vị thánh sống. Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Gioan liền bảo:
– Đừng lo cho linh hồn chồng bà. Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?
Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?!
– Cha sở nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết. Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng.
Nghe xong lời cha Gioan, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ.
(Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trang 10)
Nếu chỉ vì mấy bông hoa mọn dâng kính Đức Mẹ cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy, thử hỏi, những ai trong tháng Năm này tham dự dâng Hoa, rước kiệu, đọc kinh Môi côi, hơn nữa, họ dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh nạn… chắc sẽ còn được Đức Mẹ ban muôn ơn trọng hơn nữa. Vì Mẹ thích những bông hoa Xanh của Lòng Cậy, hoa Đỏ của Lòng Mến, hoa Trắng của lòng Trong Sạch, hoa Tím của Hãm Mình, hoa Vàng của Niềm Tin, hoa Hồng của kinh Kính mừng.
Thánh Anphongsô Ligori quả quyết rằng: “Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên đàng”.
Thánh Bênađô thì diễn tả văn vẻ hơn: “Được Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không ngã. Được Mẹ che chở, bạn sẽ không sợ. Được Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ an lòng. Được Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt đích mong chờ”.
Lm. Đoàn Quang, CMC
Read more…