Thay đổi nghi thức trao dây Pallium cho các vị Tổng Giám Mục chính tòa

06:11 | Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015
VATICAN. Do quyết định của ĐTC Phanxicô, dây Pallium từ nay sẽ được trao cho vị Tổng Giám Mục đứng đầu giáo tỉnh trong một buổi lễ tại giáo phận thuộc quyền thay vì tại Roma.
Trong thư đề ngày 12-1-2015 gửi đến các vị Sứ thần và Khâm Sứ Tòa Thánh trên thế giới, Đức Ông Guido Marini, Trưởng Ban nghi lễ phụng vụ của Tòa Thánh, đã thông báo quyết định trên đây của ĐTC.
Dây Pallium là dây làm bằng lông chiên màu trắng có 6 hình thánh giá màu đen, biểu tượng quyền của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh và sự hiệp thông với ĐTC. Vị TGM đeo dây này ở cổ và vai như vị mục tử nhân lành vác chiên trên vai. Cho đến nay, các vị TGM chính tòa vẫn về Roma để nhận dây Pallium từ ĐTC trong thánh lễ ngài cử hành ngày 29-6, lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, trừ trường hợp ngoại lệ, giây này được vị Đại Diện Tòa Thánh trao trong một buổi lễ tại Giáo Hội địa phương.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican hôm 29-1-2015, Đức Ông Guido Marini nói:
”Ý nghĩa sự thay đổi này là làm nổi bật hơn quan hệ giữa vị tân TGM chính tòa với Giáo Hội địa phương của các vị, và để tạo cơ hội cho nhiều tín hữu được hiện diện tại nghi thức rất ý nghĩa đối với họ, và nhất là là cho các Giám Mục thuộc hạt - trong cùng một giáo tỉnh -, để tham dự lễ trao dây Pallium. Theo chiều hướng đó, ý nghĩa buổi lễ ngày 29-6 vẫn được giữ nguyên, tức là nhấn mạnh mối giây hiệp thông và cũng là sự hiệp thông theo phẩm trật giữa ĐTC và các vị tân TGM chính tòa, và đồng thời, qua sự trao giây này ở địa phương, có thêm mối liên hệ với Giáo hội địa phương”.
Theo quyết định mới, dây Pallium vẫn được ĐTC làm phép trong ngày 29-6 tại Đền thờ Thánh Phêrô, trong thánh lễ đồng tế với các vị tân Tổng Giám Mục chính tòa, như thói quen từ trước đến nay, nhưng ĐTC chỉ trao giây này cho các vị theo thể thức riêng và đơn sơ. Sau đó, tại giáo phận thuộc quyền, lễ nghi trao giây Pallium sẽ được tổ chức trong một lễ nghi trọng thể, trong đó vị Đại diện Tòa Thánh, được ĐTC ủy quyền, trao cho vị tân TGM chính tòa trước sự hiện diện của các GM trong cùng giáo tỉnh và các tín hữu.
Quyết định của ĐTC không thay đổi khoản giáo luật khoản số 437,I theo đó, vị tân TGM chính tòa phải đích thân hoặc nhờ đại diện xin ĐTC ban dây Pallium trong vòng 3 tháng sau khi thụ phong GM, hoặc nếu đã là GM rồi thì tính từ lúc được bổ nhiệm. (RG 29-1-2015)
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: VietVatican
Read more…

Đức Thánh Cha kêu gọi toàn thể Giáo Hội vượt thắng sự dửng dưng

18:24 | Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015
VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi mọi thành phần Giáo Hội vượt thắng hiện tượng ”hoàn cầu hóa sự dửng dưng” đối với những người nghèo khổ.

Đây là ý tưởng được ĐTC nhấn mạnh và khai triển nhiều nhất trong Sứ điệp Mùa Chay bắt đầu từ ngày 18-2 tới đây. Sứ điệp được Đức Ông Giampietro Dal Toso, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm), cùng vị phụ tá và ông Michel Roy, Tổng thư ký Caritas quốc tế, giới thiệu với giới báo chí trong cuộc họp báo sáng ngày 27-1-2015, tại Phòng Báo chí Tòa Thánh.

Sứ điệp của ĐTC có chủ đề là một câu trích từ thư thánh Giacôbê ”Anh chị em hãy củng cố tâm hồn” (Gc 5,8). Sau khi nhắc lại sự kiện Thiên Chúa ”không dửng dưng đối với chúng ta, ĐTC nhấn mạnh rằng:

”Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta, Chúa biết đích danh chúng ta, chăm sóc và tìm kiếm chúng ta khi chúng ta bỏ Chúa. Chúa chú ý đến mỗi người chúng ta.. Nhưng xảy ra là khi chúng ta an mạnh và cảm thấy thoải mái, thì thường chúng ta quên những người khác, không quan tâm đến những vấn đề của người khác, những đau khổ và bất công họ đang chịu.”

ĐTC nhận xét rằng sự dửng dưng vừa nói có chiều kích hoàn vũ và người ta có thể nói ngày nay đang có một thứ ”hoàn cầu hóa sự dửng dưng”. Để giúp các tín hữu khắc phục tệ nạn này, ĐTC mời gọi toàn thể Giáo Hội ý thức rằng ”Nếu một chi thể đau, thì tất cả các chi thể khác cũng đau” (1 Cr 12,26)

ĐTC cũng kêu gọi vượt thắng sự dửng dưng trong đời sống của các giáo xứ và cộng đoàn. Để được vậy, các tín hữu cần ý thức mình là chi thể của một thân mình, một chi thể đau thì toàn thể thân mình cũng chịu đau. Ngài khẳng định rằng: ”mỗi cộng đoàn Kitô được kêu gọi hãy vượt qua ngưỡng cửa nối kết họ với xã hội xung quanh, với những người nghèo và những người xa xăm. Giáo Hội tự bản chất là thừa sai, không co cụm vào mình, nhưng được sai tới tất cả mọi người. Sứ mạng của Giáo Hội là kiên nhẫn làm chứng về Đấng muốn mang tất cả thực tại và mỗi người về cùng Chúa Cha... Anh chị em thân mến, tôi nồng nhiệt mong ước sao cho các nơi mà Giáo Hội hiện diện, - đặc biệt là các giáo xứ và cộng đoàn của chúng ta, - trở thành những hải đảo từ bi giữa lòng biển cả dửng dưng!”

ĐTC mời gọi các tín hữu ”đừng coi nhẹ sức mạnh kinh nguyện của bao nhiêu người hiệp nhau!” Trong ý hướng đó ngài cầu mong toàn thể Giáo Hội tham gia sáng kiến ”24 giờ cho Chúa”, sẽ được cử hành trong toàn thể Giáo Hội, kể cả ở cấp độ giáo phận, trong những ngày 13 và 14-3 tới đây”

Ngài cũng khuyến khích các tín hữu thực hiện những việc bác ái, đối với những người ở gần cũng như những người ở xa, nhờ bao nhiêu tổ chức bác ái của Giáo Hội. ”Mùa Chay là mùa thuận tiện để chứng tỏ sự quan tâm tới tha nhân qua một cử chỉ, dù là nhỏ bé nhưng cụ thể, nói lên sự tham dự của chúng ta vào nhân loại chung.”
Và ĐTC kết luận rằng:

”Để khắc phục sự dửng dưng và sự tự phụ toàn năng của chúng ta, tôi muốn xin tất cả mọi người hãy sống Mùa Chay này như một hành trình huấn luyện tâm hồn, như ĐGH Biển Đức 16 đã nói (Thông điệp Deus caritas est, 31). Có một con tim từ bi không có nghĩa là có một tâm hồn yếu đuối. Ai muốn từ bi thì cần một con tim mạnh mẽ, kiên vững, khép kín đối với kẻ cám dỗ, nhưng cởi mở đối với Thiên Chúa”. (SD 27-1-2015)

G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: VietVatican
Read more…

Huyền nhiệm một ơn gọi

07:24 | Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015
Hai chữ “Hành Trình” gợi lên trong con một cuộc ra đi, ra đi theo tiếng gọi trời cao được gợi lên trong thâm sâu lòng mình. Mỗi người nghe tiếng gọi mời theo mỗi cách rất riêng và con đường Chúa dẫn dắt, giáo dục từng người lại càng đặc biệt hơn nữa. Nhưng trong Thiên Chúa, con đường nào của Ngài cũng đều tuyệt hảo, ngay cả những lỗi lầm vấp phạm, những phút bướng bỉnh cứng lòng và cả tội lỗi nữa.
Tin vào chương trình huyền nhiệm của tình yêu Thiên Chúa. Con xin được mạo muội chia sẻ một chút cảm nghiệm như những mắt xích nhỏ đã đan kết nên ơn gọi của con qua câu chuyện: “Huyền nhiệm một ơn gọi”
Cách đây hơn 30 năm, vào một ngày cuối xuân đẹp trời, nơi vùng đất mẹ tuy khô cằn sỏi đá nhưng lại mang nét thâm trầm sâu lắng của cố đô Huế, một cô bé đã cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình ấm cúng tình cha nghĩa mẹ.
Tuổi thơ của con trải qua thời loạn ly, chuyển giao giữa hai chế độ. Sống – chết là lằn ranh rất mong manh. Tiếp theo đó là những ngày tháng khó khăn vây bủa cho một gia đình trẻ với 7 người con nheo nhóc. Chân ướt, chân ráo đến vùng đất xa lạ, xung quanh chỉ rừng rú, xa xa có vài ba gia đình. Trong sự khốn cùng đó, con cảm nhận được đức tin là gì khi nhìn thấy hình ảnh ba con hằng đêm quỳ cầu nguyện trước bàn thờ cùng với lòng thành khẩn cầu xin của mẹ mỗi khi con ốm đau. Những hình ảnh đó in khắc vào tâm trí thơ dại của con. Vì thế, con có một thiên hướng về tôn giáo khá sớm, cho dù con chưa hiểu Thiên Chúa là gì, nhưng trong thâm tâm luôn cảm thấy Ngài rất quan trọng và tuyệt vời. Vì thế khi bạn bè hay ai xúc phạm đến tôn giáo hay Thiên Chúa là con ăn thua cho đến cùng.
Rồi một lần kia, trong giờ học chính trị, thầy giáo thường lấy Lời Chúa để xuyên tạc chỉ trích, con ấm ức và khó chịu lắm. Cuối cùng con đã đứng lên và thưa với thầy: “Thưa thầy, Thiên Chúa của em không phải như vậy, thầy hiểu nhầm rồi”. Nhưng lúc đó con còn quá nhỏ để lý giải. Con cảm thấy buồn và ước mong lớn lên học Kinh Thánh thật giỏi để minh oan cho Chúa. Cơ hội đã không đến với một gia đình ở xa nhà thờ, đa phần là ngoại đạo, nên việc học giáo lý cơ bản đều do ba con quy tụ lại và dạy. Đến năm 14 tuổi, con mới có cơ hội đến nhà xứ để học Kinh Thánh sơ đẳng và được làm giáo lý viên đầu tiên của giáo họ. Nhờ ơn Chúa, cộng thêm sự giúp đỡ của nhiều người và với lòng hăng say của tuổi trẻ con đã thành lập được nhóm thiếu nhi đầu tiên của giáo họ với danh hiệu Đa Minh – Đuốc Sáng, và con nghĩ đây là tín hiệu đèn xanh đầy hữu duyên cho ơn gọi Đa Minh của con hôm nay.
Điều bất ngờ lại đến, đó là năm lớp 10, con là lớp phó học tập nhưng lại bị lưu ban! Đây là  thất bại đầu đời nên mọi sự trước mắt con đều như sụp đổ. Trước kia con tự tin bao nhiêu thì bây giờ là mặc cảm, xấu hổ và tủi nhục bấy nhiêu. Bạn bè đều nghỉ học nên con cũng muốn thế. Tuy nhiên, với sự động viên của ba, an ủi của mẹ và quyết tâm của mình, con đã tiếp tục lầm lũi cắp sách đến trường nuốt theo từng giọt cay đắng. Nỗi đau nào cũng vơi theo thời gian. Trong cảnh tượng tưởng chừng bi thương này thì Chúa lại gởi đến cho con một người bạn học cùng lớp rất tha thiết với ơn gọi tu trì, nhờ đó mà hạt giống ơn gọi hiến dâng trong con được nảy mầm.
Con chẳng hiểu tu là gì, chỉ biết nơi đó là phải hy sinh, từ bỏ, chịu khổ, chịu khó để người khác được vui và đôi khi cũng có khó chịu một tí. Ơn gọi thật tuyệt vời và cao trọng, con thì hèn mọn, nhiều tham vọng, làm sao dám mơ. Nhưng thánh ý của Chúa thì khác xa tư tưởng loài người, Ngài gõ cửa lòng con một lần nữa qua sự ra đi vĩnh viễn của bà ngoại. Trước khi từ biệt cõi đời, người cầm tay con không phải khuyên con đi tu hay sống tốt, nhưng lời nhắn nhủ như một mệnh lệnh: “Chúa gọi con theo Ngài, con đừng từ chối”. Lời trăn trối của người ra đi làm con suy nghĩ nhiều lắm. Cuộc sống trước mắt cảm thấy vui và an toàn hơn, tương lai có vẻ bảo đảm và sáng sủa hơn. Còn theo Ngài là lao mình vào cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm “chim có tổ, cáo có hang, con người không có chỗ tựa đầu”. Tương lai là một sự bấp bênh. Con thấy lo sợ muốn chạy trốn như Tiên tri Giona “Chúa ơi! Con không biết gì cả, con ngu ngơ dại khờ lắm”. Nhưng tiếng gọi ngày càng mãnh liệt và tha thiết hơn trong sâu thẳm cõi lòng, nhưng con chưa dám tin đó là con đường Ngài muốn con theo, con đã cầu nguyện và như tiên tri Ezêkien con đã xin Ngài cho con một dấu lạ. Con bắt đầu tìm ý Ngài qua cách của loài người bằng cách bốc thăm: 3 cái lập gia đình, 3 cái đi tu, 3 cái sống độc thân. Con hồi hộp bốc cái thăm đầu tiên: “Đi tu”. Con mang một chút lo sợ: “Có lẽ nhầm chăng?” Xin cho con làm lại một lần nữa và lần này cũng “đi tu”. Trong lòng cũng mang chút do dự và Ngài đã khiển trách con trong cái lộc đầu năm năm ấy: “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa của ngươi”. Chỉ mình con mới hiểu được những gì mình đã làm, trong lòng mang chút hối hận, ngước nhìn trời cao để nói lời tạ lỗi. Nhưng ôi sao, bầu trời hôm nay rộng,thênh thang, thanh cao và quảng đại quá, còn con chỉ là một sinh linh bé nhỏ, tầm thường mà sao Chúa lại kiên nhẫn yêu thương và hạ mình đến thế.
Trở về nhà, con ngỏ ý xin ba mẹ để đi tu. Gia đình vừa mừng vừa lo, lo vì sợ con yếu đuối mỏng dòn không đáp trả trọn vẹn, nhưng vẫn tin vào tình yêu và sự quan phòng của Chúa.
Ngày chia tay đã đến, tiễn con vào Dòng Đa Minh Tam Hiệp, trong nước mắt, ba con chỉ dặn dò một câu duy nhất “Đi tu, con phải để Thiên Chúa sống trong con”.
Khung trời Thỉnh Viện mở ra đón con vào. Con bằng lòng với cuộc sống mới trong Tu viện tuy có bao ngỡ ngàng luyến nhớ nhưng đầy ắp niềm vui, bình an và hạnh phúc. Nhưng vui chưa chưa được bao lâu thì con đã ngã bệnh. Trong sự đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, Chúa cho con cảm nếm sự ngọt ngào của tình yêu hy hiến. Tâm hồn con cảm thấy rất an bình vì biết rằng mọi sự xảy ra đều nằm trong quỹ đạo tình yêu của Chúa. Bên cạnh đó tình thương, sự lo lắng hiện lên trên khuôn mặt từng thành viên trong Hội Dòng, đặc biệt Dì phụ trách của con lúc đó. Một hình ảnh thật đẹp, thật dễ thương lưu dấu mãi trong tâm hồn con.
Thời gian dần trôi, khung trời Thỉnh Viện có lẽ vẫn trắng, vẫn trong, vẫn hồn nhiên nhưng riêng lòng con bắt đầu có những đám loang lổ của tham, sân, si. Con thấy ý nghĩa đời tu đang dần mất. Nỗi hoang mang chán chường xâm lấn, những bước chân giờ đây sao nặng nề. Quỳ trước Thánh Thể với bao câu hỏi tại sao. Ngài đã lầm chăng? Ngài đang ở đâu? Nỗi giằng co nội tâm dày xéo. Con chỉ biết ngồi bên Chúa cho nước mắt tuôn rơi. Trong sự cô đơn đó, Ngài đã đến. Nơi Ngài có một sức cuốn hút kỳ lạ, con chỉ biết chiêm ngắm mà không thể thốt lên lời, mọi buồn đau tan biến, thay vào đó là sự bình an và niềm vui sâu lắng. Ngài thỏ thẻ bên con: “Ta đã không lầm khi đặt con nơi đây. Ta đến không phải để kêu gọi người công chính mà là người tội lỗi.” Tất cả cứ ùa về trong tâm trí, con linh cảm Ngài đang có một chương trình gì đó mà con chưa thấu hiểu, con chỉ biết xin vâng như Đức Maria. Từ đó con xác tín hơn về ơn gọi của mình. Và những đốm đen trong cuộc sống giờ đây mang một ý nghĩa khác hơn, nó không còn là lối cản mà mở ra một sự dấn thân và yêu thương hơn.
Nhưng dấn thân bằng cách nào? Con loay hoay tìm kiếm trong cuộc đời các thánh nhưng con vẫn thấy có điều gì đó chưa thỏa mãn. Vô tình trong một giờ suy niệm câu Lời Chúa: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,33a). Lời đó sao hôm nay trở nên gần gũi sống động thiết thực và quan trọng, là cốt lõi và cùng đích cho đời sống dâng hiến của con. Con ước ao được sống điều đó. Từ đó mỗi sáng thức dậy con đều xin “xin cho con có tâm hồn nhạy cảm để nhận ra ý Cha trong từng biến cố cuộc sống và can đảm thực thi”.
Thời gian sống trong Thỉnh Viện của con êm đềm trôi trong tình Chúa, tình Mẹ Hội Dòng cùng bao người thân thương. Con đang hăng hái theo chương trình Đại học thì Hội Dòng cho con lên  Tiền tập. Tâm trạng con lúc đó thật bối rối và biết bao câu hỏi được đặt ra. Lên Tiền tập làm sao được? Việc học đang dở dang tốn biết bao công sức, mồ hôi nước mắt, chắt chiu hy sinh của từng người trong gia đình, của Hội Dòng và biết bao người thân thương khác. Giờ lên Tiền tập … việc học của con sẽ dang dở để rồi chỉ còn hai bàn tay trắng không giấy chứng nhận cũng chẳng có chứng chỉ gì. Một sự uổng phí! Chúa ơi! Con không hiểu nổi chương trình của Ngài. Con đi tìm ý Ngài nơi những người khôn ngoan. Có người bảo con nên tiếp tục đi học, có người khuyên hãy cầu nguyện thấy chọn lựa nào bình an nhất thì đó là điều Chúa muốn. Chạy đến bên Ngài con thân thưa tất cả, Ngài dạy con bằng câu nói của Thánh Phêrô: “… Chó mửa xong, chó liền ăn lại; heo tắm xong, heo nhảy vào bùn” (2 Pr 2,22).
Đúng thật, trước khi bước theo tiếng gọi, con đã trúng tuyển đại học chính quy cũng khoa ngoại ngữ, nhưng với sức hút của Chúa con đã từ bỏ tất cả, chẳng lẽ giờ đây con lại lấy lại những gì con đã từ bỏ hay sao? Ngài còn trấn an “Ta không thua lòng quảng đại của con đâu.” Cuối cùng con bình an thưa lên như ngôn sứ Giêrêmia “Ngài đã quyến rũ con và con đã để Ngài quyến rũ, Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng” (Gr 20,7).
Năm Tiền tập cho con nhiều niềm vui, hạnh phúc, nhưng không thiếu những sai sót trong phận người. Từ đó con học được đau khổ chính là trường dạy lòng từ nhân, sự vụng về và một chút ngô ngố của tình yêu có sức chinh phục và in dấu trong lòng người hơn là sự hoàn hảo mà thiếu vắng tình yêu, chỉ để lại những điều đáng tiếc.
Năm Tập, năm Hồng ân đã đến, con khát khao khám phá được những điều kỳ diệu để làm nền tảng cho đời tu sau này. Chúa thấu hiểu nỗi khát mong, khắc khoải trong con. Ngài cho con cảm nghiệm một điều mà bấy lâu con đã từng nghe, từng đọc, nhưng chưa bao giờ trở thành máu thịt. Một điều thật đơn giản “Hãy sống vô vị lợi”. Vì thế khi làm một việc gì dù lớn hay nhỏ, tầm thường hay đạo đức hãy tự hỏi: “Tôi làm điều này vì ai? Có phải vì vinh danh Chúa và ích lợi cho anh chị em không? Có làm vì lòng mến không? Lúc này đã tốt chưa? Hãy sống rất thật với chính mình và với Chúa. Một khi đã hội đủ các điều kiện trên thì an tâm thực thi dù có đau khổ nhưng niềm vui và bình an sẽ đến. Từ đó con cố gắng tập luyện mỗi ngày cho dù trơn trợt té ngã liên miên, nhưng con không nản lòng vì chính Tình Yêu Chúa là động lực để con cố gắng mỗi ngày.
Thời gian Học viện là môi trường tốt để con tập sống những gì mình đã cảm nghiệm và xác tín. Khi đối diện với một xã hội đầy phức tạp: tiền tài, danh vọng là cơ sở để đánh giá một con người; bậc thang giá trị của Tin Mừng dường như bị đảo lộn, bất công và tệ nạn ngày càng lan rộng … con cảm nghiệm để sống cho lý tưởng và Thánh Ý là một cuộc chiến đầy cam go bắt con phải lựa chọn, kiếm tìm và trả giá. Lúc này con cảm sâu xa sự yếu đuối mỏng manh nhiều giới hạn của mình. Con như chiếc bình sành dễ vỡ nhưng nhờ Tình Yêu Chúa bao bọc, nâng niu gìn giữ để hôm nay con chỉ biết thân thưa như Thánh Phaolô: “Tôi làm được gì là nhờ hồng ân Thiên Chúa.”
Nhìn lại quãng đường đời đã qua, dẫu lúc bằng phẳng hay khi gập ghềnh sỏi đá, con đều nhìn thấy tình thương Thiên Chúa can thiệp từng và đỡ nâng từng bước trong cuộc đời của con. Những lúc con tưởng mình chơi vơi thất vọng thì lúc đó Chúa cho con thấy rõ nhất con đường Chúa mời gọi con phải dấn thân. Không gì khác hơn là con đường Tình Yêu để con có thể nói như Thánh Têrêsa: “Ơn gọi của con là tình yêu.”
Vâng, chính Thiên Chúa đã vẽ những đường thẳng trên những nét cong để mọi buồn vui trăn trở trong cuộc sống đều có dấu ấn Tình Yêu của Ngài. Nhờ Tình Yêu đó mà giúp con vượt qua mọi thăng trầm để hôm nay con vẫn được chở che dưới mái ấm Hội Dòng và dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân.
Tri ân công sinh thành dưỡng dục của ba mẹ để con được trưởng thành về dáng vóc và lớn mạnh về niềm tin.
Tri ân Mẹ Hội Dòng, quý Dì Giáo đã yêu thương dìu dắt, nâng đỡ con.
Tri ân những cộng đoàn đã đón nhận con trong những tháng qua cùng biết bao người đã âm thầm cầu nguyện cho con trong ơn gọi làm người và làm con Chúa.
Xin tiếp tục cầu nguyện cho con, để con luôn trung thành với ơn gọi sống đời Thánh hiến và sống thật hạnh phúc trong huyền nhiệm yêu thương của Chúa.
Sr. Maria LTLH, OP
Nguồn: Daminhtamhiep.net
Read more…

Giáo Phận Huế đón tiếp ĐHY Fernando Filoni tại Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam

18:17 | Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015
Sau khi đáp chuyến bay đến Huế và có buổi đón tiếp tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Huế, vào lúc 11g00 ngày 22.01.2015, ĐHY Fernando Filoni cùng phái đoàn, đã có buổi gặp gỡ chào mừng và chia sẻ cùng cộng đoàn dân Chúa trong Giáo phận Huế tại Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam.Ngay từ rất sớm, khi biết tin ĐHY Fernando Filoni sẽ ghé thăm, các linh mục, tu sĩ nam nữ trong các hội dòng, giáo dân khắp nơi, và đặt biệt là giáo dân thuộc các giáo xứ trong Hạt thành phố Huế, đã cùng quy tụ về Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam, để gặp gỡ và chào mừng vị Bộ trưởng Bộ Truyền Giáo kính mến.Đúng 11g00, đoàn xe chở ĐHY Fernando Filoni và các Đức Giám Mục trong Giáo tỉnh Huế, đến trước tiền đường Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam, cùng lúc đó, đội kèn giáo xứ cất vang bài ca “Marche Pontificale" (Giáo Hoàng Hành Khúc), xen lẫn với những tiếng vỗ tay giòn giã của cộng đoàn hiện diện, làm cho bầu không khí buổi đón tiếp thêm phần long trọng.Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh, Quản xứ Chính Tòa Phủ Cam, đón chào ĐHY Fernando Filoni khi Ngài vừa xuống xe. Tiếp đó, Đức TGM Huế Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng trao vòng hoa lưu niệm cho ĐHY Fernando Filoni, quý cha hạt trưởng và quý cha bề trên dòng tặng hoa cho các Đức Giám Mục và các Đức Ông theo đoàn.ĐHY Fernando Filoni, với các Đức Giám Mục và phái đoàn, cùng tiến vào bên trong Nhà Thờ. Chương trình đón tiếp bắt đầu khi cộng đoàn dành ít phút để Chầu Chúa Giêsu Thánh Thể: tất cả mọi thành phần cùng thinh lặng, quỳ gối và kết thúc với bài ca “Thờ lạy Chúa”.Thay mặt cho toàn thể cộng đoàn hiện diện, Đức TGM Huế Phanxicô Xavie đọc bài diễn văn chào mừng ĐHY Fernando Filoni cùng phái đoàn, nhân chuyến viếng thăm Giáo Phận Huế. Ngài nói lên niềm vinh dự và niềm vui lớn lao mà Giáo tỉnh Huế, cách riêng Tổng Giáo Phận Huế, được đón tiếp Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng đến viếng thăm. Đồng thời, cũng hân hoan vui mừng được đón tiếp Đức TGM Leopoldo Girelli, Đức Cha Chủ tịch HĐGMVN, Cha Phó Tổng Thư ký HĐGMVN, Quý Đức Cha thuộc Giáo tỉnh Huế, Đức Ông Barnabê đã cùng hiện diện.Đức TGM Huế giới thiệu đôi nét với ĐHY Fernando Filoni về Giáo tỉnh Huế, những điểm chung của các giáo phận trong giáo tỉnh như số lượng giáo dân, ơn gọi linh mục, tu sĩ nam nữ vẫn còn khá dồi dào, công việc đào tạo chủng sinh tại Đại Chủng Viện. Bên cạnh đó, ngài cũng trình bày những khó khăn trong công cuộc truyền giáo tại Giáo phận Huế, như việc các bạn trẻ phải rời xa quê hương để đi làm ăn xa, gặp bao cám dỗ dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội, đều này làm ảnh hưởng đến đời sống đức tin và luân lý rất nhiều.Đức TGM Huế nói lên tâm tình yêu mến và trung thành sắc son của đoàn dân Chúa đối với Giáo Hội, đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, và lòng biết ơn sâu xa đối với vị Đức Hồng Y Tổng Trưởng kính yêu.Đáp từ sau phần chào mừng của Đức TGM Huế Phanxicô Xavie, ĐHY Fernando Filoni cám ơn sự tiếp rước nồng nhiệt của các thành phần Dân Chúa trong Tổng Giáo phận Huế, và Ngài cảm thấy rất vui mừng khi mọi người cùng quy tụ nơi đây, cùng nhìn mặt nhau, thể hiện tình liên đới, hiệp thông với nhau.ĐHY Fernando Filoni nhắc đến việc Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy đi, hãy loan báo Tin Mừng cho muôn dân sau khi các ông đã ở, đã thấy, đã nghe, đã sống và đã cảm nghiệm được tình yêu của Thầy mình. Đó là mệnh lệnh cuối cùng của Chúa Giêsu trối cho các Tông Đồ trước khi Người về trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Ngài cũng khuyến khích mọi người trong thế giới hôm nay, hãy sẵn sàng để ra đi truyền giáo như vậy.ĐHY Fernando Filoni cũng tin chắc rằng mọi người đang hiện diện trong Giáo phận Huế này, cũng đang hiệp ý cầu nguyện cho Ngài. Và Ngài cũng mời gọi mọi người hiệp thông với Ngài trong chuyến hành hương Đức Mẹ La Vang sắp đến. Ngài hứa sẽ cầu nguyện và nói với Đức Mẹ về Giáo Hội Việt Nam là một gia đình rất tốt, dành tặng Đức Mẹ những đóa hoa hồng để nói lên tâm tình cầu nguyện cho sự bảo trợ của Đức Mẹ đối với Giáo Hội Việt Nam, cầu nguyện cho công việc truyền giáo tại Á Châu và cầu nguyện cho hòa bình thế giới.Cuối buổi chào mừng là phần vũ khúc với trang phục cổ truyền mang đậm nét Việt Nam. Tiếp đó, các em thiếu nhi Giáo xứ Chính Tòa Phủ Cam, trong tu phục của các dòng tu trong giáo phận, lần lượt được giới thiệu với ĐHY Fernando Filoni, đó cũng là tâm tình của mọi thành phần tham dự ngày hôm nay dâng lên ĐHY Fernando Filoni, quý Đức Giám Mục với tấm lòng yêu mến của đông đảo các thành phần dân Chúa trong Giáo Phận Huế.Kết thúc, ĐHY Fernando Filoni ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho cộng đoàn tham dự, sau đó, cùng chụp hình lưu niệm với các Đức Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và các em thiếu nhi, trước Tiền đường Nhà Thờ.Buổi chiều vào lúc 13g00, ĐHY Fernando Filoni và các Đức Giám Mục cùng phái đoàn, sẽ kính viếng Nhà Lưu Niệm vị Tôi Tớ Chúa, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận tại Phủ Cam.                                                                                       Ban Truyền Thông TGP Huế                                                                                          Nguồn: Tonggiaophanhue.net
Read more…

Đối thoại, hiệp nhất và cộng tác để chung xây một xã hội huynh đệ công bằng và thịnh vượng

05:50 | Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015
Tin Mừng có khả năng gợi hứng cho một xã hội xứng đáng với con người, trong đó có chỗ cho phẩm giá của từng người và các khát vọng của người dân. Các tôn giáo có một vai trò tích cực trong việc thăng tiến đối thoại, hiệp nhất và cộng tác để xây dựng một xã hội huynh đệ, công bằng và thịnh vượng. Cần phải bảo vệ gia đình, chiến đấu chống nạn gian tham hối lộ, nền văn hóa gạt bỏ và tôn thờ tiền bạc, và ý thức hệ thực dân ám sát gia đình.

Trên đây là vài tư tường ĐTC Phanxicô đã trình bầy với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung trong đại thính đường haolô VI sáng thứ tư 21-1-2015.

ĐTC Phanxicô vừa mới công du mục vụ hai nước Sri Lanka và Philippines về hôm thứ hai vừa qua. Vì thế trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua ĐTC đã chia sẻ với tín hữu và du khách hành hương một số kinh nghiệm và cảm tưởng của ngài. 

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói: sau chuyến viếng thăm Đại Hàn cách đây mấy tháng tôi đã lại sang Á châu, là đại lục của các truyền thống văn hóa và tinh thần phong phú. Chuyến viếng thăm đã là một cuộc gặp gỡ tươi vui với các cộng đoàn giáo hội làm chứng cho Chúa Kitô trong các quốc gia này: tôi đã củng cố họ trong đức tin và tinh thần truyền giáo. 

Tiếp đến ĐTC đã chia sẻ các cảm tưởng của ngài và nói: Tôi sẽ luôn luôn giữ trong tim kỷ niệm tiếp đón tươi vui của các đám đông - trong vài trường hợp mênh mông như đại dương - đã đồng hành với những lúc ý nghiã nhất trong chuyến công du này. Ngoài ra tôi đã khích lệ cuộc đối thoại liên tôn trong việc phục vụ hòa bình, cũng như trên lộ trình của các dân tộc này hướng tới sự hiệp nhất và phát triển xã hội, đặc biệt là với sự chủ động của các gia đình và giới trẻ.

Tột đỉnh chuyến viếng thăm Sri Lanka là lễ phong hiển thánh cho cha Giuse Vaz vị thừa sai vĩ đại. Vị linh mục thánh này đã rất thường khi ban phát các bí tích cho các tín hữu trong lén lút, nhưng đã trợ giúp những người khốn khỏ thuộc mọi tôn giáo và điều kiện xã hội, không phân biệt ai. Gương sống thánh thiện và tình yêu thương của ngài đối với tha nhân tiếp tục gợi hứng cho Giáo Hội tại Sri Lanka trong công tác tông đồ bác ái và giáo dục. Tôi đã giới thiệu thánh Vaz như mẫu gương cho tất cả mọi kitô hữu, ngày nay được mời gọi đề nghị sư thật cứu rỗi với tất cả mọi người khác trong một bối cảnh đa tôn giáo, trong sự tôn trọng người khác, với lòng kiên trì và lòng khiêm tốn. Sri Lanka là một quốc gia có cảnh thiên nhiên xinh đẹp, và người dân nước này đang tìm tái thiết sự hiệp nhất sau một cuộc nội chiến dài và thê thảm. Đề cập tới cuộc gặp gỡ với các giới chức chính quyền Sri Lanka ĐTC nói:

** Trong cuộc gặp gỡ với các vị lãnh đạo chính quyền tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đối thoại , tôn trọng phẩm giá con người, của nỗ lực lôi cuốn tất cả mọi người vào trong việc tìm kiếm các giải pháp thích hợp giúp hoà giải và xây dựng công ích. Các tôn giáo khác nhau có một vài trò ý nghĩa phải chu toàn cho mục đích này. Cuộc gặp gỡ của tôi với các vị lãnh đạo tôn giáo đã là một xác nhận các tương quan tốt đẹp đã có giữa các cộng đoàn khác nhau. Trong bối cảnh này tôi đã khích lệ sự hợp tác đã có giữa tín hữu của các tôn giáo khác nhau, cả trong việc chữa lành biết bao người bị khổ đau trong các năm qua với dầu thỏa dịu của sự tha thứ. Đề tài hòa giải cũng đã là đặc thái chuyến viếng thăm Đền thánh Đức Bà Madhu, rất được tôn kính bởi người Tamil và Singale, và là đích điển hành hương của tín hữa các tôn giáo khác. Tại nơi thánh này chúng tôi đã xin Mẹ Maria là Mẹ chúng ta ban cho nhân dân Sri Lanka ơn hiệp nhất và hòa bình.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Từ Sri Lanka tôi đã sang Philippines, là nơi Giáo Hội đang chuẩn bị mừng kỷ niệm 500 năm lãnh nhận Tin Mừng. Đây là quốc gia công giáo chính của Á châu, và nhân dân Phi nổi tiếng là có đức tin sâu đậm, tinh thần đạo đức và lòng hăng say, kể cả tại ngoại quốc. Trong cuộc gặp gỡ của tôi với các giới chức chính quyền cũng như trong những lúc cầu nguyện và thánh lễ kết thúc có rất đông người tham dự, tôi đã nhấn mạnh sư phong phú liên tục của Tin Mừng và khả năng của nó gợi hứng cho một xã hội xứng đáng với con người, trong đó có chỗ cho phẩm giá của từng người và các khát vọng của nhân dân Phi.

Mục đích chính của chuyến viếng thăm và lý do tôi đã quyết định đến Philippines là để bầy tỏ sự gần gữi của tôi đối với các anh chị em đã bị tàn phá bởi trận bão Yolanda. Tôi đã tới Tacloban, trong vùng bị bão tàn phá nặng nề, nơi tôi đã bầy tỏ sự ngưỡng mộ đối với đức tin và khả năng đứng dậy của người dân địa phương. Rất tiếc tại Tacloban các điều kiện thời tiết khó khăn đã gây ra một nạn nhân vô tội khác: đó là cái chết của chị Kristel, một thiên nguyện viên trẻ, bị gió thổi bay một cơ cấu đánh ngã và gây tử vong. Tôi đã cám ơn tất cả mọi người khắp nơi trên thế giới đã đáp ứng nhu cầu của người dân nơi đây với sự trợ giúp quảng đại. Quyền năng tình yêu của Thiên Chúa, được mạc khải trong mầu nhiệm của Thập Giá, đã hiển nhiên trong tinh thần liên đới, được chứng minh bởi nhiều cử chỉ bác ái và hy sinh ghi dấu các ngày đen tối này. 

** Cuộc gặp gỡ với các gia đình và giới trẻ tại Manila đã là những điểm cao của chuyến viếng thăm tại Philippines. Các gia đình lành mạnh nòng cốt đối với cuộc sống xã hội. Thật là trao ban an ủi va hy vọng, khi thấy biết bao gia đình đông tiếp đón con cái như là một ơn đích thật của Thiên Chúa. Họ biết rằng mỗi một người con là một phúc lành.

Tôi dã nghe nói rằng các gia đình đông con và việc sinh nhiều con là một trong các lý do gây ra nghèo đói. Đối với tôi xem ra nó là một ý kiến quá đơn sơ. ĐTC khằng định như sau:

Tôi có thể nói rằng, tất cả chúng ta có thể nói rằng lý do chính của nghèo túng là một hệ thống kinh tế đã lấy con người ra khỏi trung tâm và đặt thần tiền vào đó; một hệ thống kinh tế loại trừ, luôn luôn loại trừ: loại trừ trẻ em, loại trừ người già, loại trừ người trẻ, không có việc làm… và tạo ra nền văn hóa gạt bỏ mà chúng ta đang sống. Chúng ta quen trông thấy những người bị gạt bỏ. Đây là lý do chính của nghèo túng, chứ không phải vì các gia đình đông con. 

Khi gợi lại khuôn mặt của thánh Giuse, là Đấng đã che chở cuộc sống của Chúa Hài Nhi, rất được tôn kính trong quốc gia này, tôi đã nhắc nhớ rằng cần phải che chở các gia đình, đang phải đương đầu với nhiều đe dọa, để chúng có thể làm chứng cho vẻ đẹp của gia đình trong chương trình của Thiên Chúa. Cũng cần bảo vệ các gia đình khỏi các ý thức hệ thực dân mới ám sát căn tính và sứ mệnh của gia đình. 

Thật đã là niềm vui cho tôi được ở với giới trẻ Philippines để lắng nghe các niềm hy vong và các âu lo của họ. Tôi đã muốn cống hiến cho họ sự khích lệ của tôi đối với các nỗ lực của họ góp phần vào việc canh tân xã hội, đặc biệt qua việc phục vụ người nghèo và bảo vệ môi sinh và thiên nhiên. Việc săn sóc người nghèo là một yếu tố nòng cốt của cuộc sống và chứng tá kitô của chúng ta. Tôi cũng đã nêu bật điều này trong chuyến viếng thăm. Nó bao gồm việc khước từ tất cả mọi hình thái gian tham hối lộ ăn trộm của người nghèo và đòi hỏi một nền văn hóa của sự liêm chính.

Tôi xin cảm tạ Chúa về chuyến viếng thăm mục vụ tại Sri Lanka và Philippines. Tôi xin Chúa luôn luôn chúc lành cho hai quốc gia này và củng cố sự trung thành của các tín hữu kitô đối với sứ điệp tin mừng của ơn cứu độ, sự hòa giải và hiệp thông của chúng ta trong Chúa Kitô.

** ĐTC đã chào nhiều nhóm tín hữu hiện diện trong đại thính đường Phaolô VI. Bên cạnh các đoàn hành hương Bắc Mỹ và châu âu, cũng có các nhóm đến từ Nhật Bản, Mêhicô và Argentina. 

Trong các nhóm Ý ĐTC đặc biệt chào giáo sư các đại chủng viện và học viện thành viên của Đại học giáo hoàng Urbaniana của Bộ Truyền Giáo, các sinh viên Học viện đại kết đại học Bossey. Ngài chúc mọi người có chuyến hành hương Roma kích thích họ đào sâu Lời Chúa và loan báo Chúa Giêsu Cứu Thế. Chào ngưởi trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn ĐTC nói: Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các kitô hữu là dịp tốt giúp suy tư về sự tùy thuộc của chúng ta vào Chúa Kitô và Giáo Hội. Ngài khích lệ ngưởi trẻ cầu nguyện cho mọi kitô hữu trở thành gia đình duy nhất của Thiên Chúa. ĐTC xin các anh chị em đau yếu dâng các khổ đau của họ để cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Giáo Hội Chúa Kitô. Ngài cầu mong các đôi tân hôn sống kinh nghiệm của tình yêu nhưng không, giống như tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. 

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải
Nguồn: VietVatican
Read more…

Ngọt như tình mẹ

12:04 | Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015
Giữa những ồn ào của xã hội, Thiên Chúa qua Mẹ Hội dòng đã ưu ái đưa con vào “sa mạc” Tập Viện để dành một cõi riêng tư của lòng mình bên Chúa. Nơi Ngài, con được nếm cảm vị ngọt ngào của tình yêu. Trong Ngài, con tràn ngập niềm hạnh phúc vô biên:
 “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹTrong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 130,2)
Cái thâm thuý, cái tinh tuý của tình Mẹ dành cho con không ai có thể cân đo, đong đếm được. “Lòng mẹ”, chỉ hai từ thế thôi nhưng chứa cả bầu trời của tình yêu. Chính vì thế, nhạc sĩ Y Vân đã phải thốt lên: “Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền, ngọt ngào”.
Vâng, lòng Mẹ quá bao la, tình Mẹ quá ngọt ngào thiết tha ai kể cho xiết, ai đếm cho cùng. Có biết bao nhà văn, nhà thơ và biết bao nhạc sĩ, họa sĩ đã dùng tài năng của mình để nói về tình mẹ, nhưng không thể nào diễn tả hết vì khả năng có hạn mà tình mẹ lại khôn cùng. Mẹ là tất cả đời con. Thật hạnh phúc biết bao khi con có mẹ. Trong tay mẹ, con vững bước trên đường đời. Trong lòng mẹ, con được vui sướng hân hoan.
Tình Chúa cho con thật ngọt ngào và nồng ấm như tình Mẹ hiền dành cho đứa con thơ. Ngài luôn ấp yêu và nâng niu con trong vòng tay êm ái của Ngài. Thiên Chúa của con là thế. Ngài cho con tất cả, cả tình yêu và cả chính Người Con duy nhất của Ngài. Thiên Chúa đã làm Người để yêu thương con theo cách thế của con người. Ngài biết rõ từng nhu cầu của con. Rất nhiều khi con chưa lên tiếng kêu xin thì Ngài đã ban cho con thật dư đầy. Ngài luôn là người đi bước trước để kiếm tìm con và giang rộng đôi tay để ôm ấp, để đón nhận con mỗi khi con đi hoang trở về.
Còn gì vui hơn, còn gì hạnh phúc hơn, bình an hơn khi được ngủ yên trong lòng Mẹ, nép mình bên mẹ, con được thông truyền hơi ấm của tình yêu. Trong Mẹ, con nghe từng dòng máu của Mẹ đang lưu chuyển, con nghe từng nhịp đập của con tim và nghe lòng Mẹ thao thức. Đó là,cảm nhận của con mỗi lần bên thánh Thể Chúa, nơi đó con được thông truyền sinh khí sự sống và được uống no say tình yêu ngọt ngào của Ngài. Trong Chúa, con nghe nỗi khát khao cháy bỏng của tình yêu thương. Ngài mời gọi mọi người, mời gọi con: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9). Ở lại trong tình yêu của Chúa, con sẽ được tắm gội bởi nguồn năng lực mới, tươi mát hơn, sung mãn hơn. Và nhờ đó, cuộc đời con được chất đầy niềm tin yêu, hy vọng và viên mãn của Thần Khí. Và trong Chúa, con nghe những thao thức băn khoăn của Ngài vì nhân loại hôm nay. Có người mẹ nào lại ngủ yên khi con mình đau yếu? Trái tim nhân hậu vô biên của Chúa lẽ nào không nhói đau vì nhân loại đang tiến đến hố diệt vong? Chiến tranh, hận thù, ghen ghét đã cướp đi cuộc sống an vui của con người. Hơn bao giờ hết, lời “Ta khát” của Chúa Giêsu trên thập giá đã hơn hai ngàn năm mà hôm nay vẫn còn tha thiết và cấp bách. Ngài khát tình yêu của nhân loại. Ngài khát lòng hăng say nhiệt thành rao truyền chân lý của người tông đồ. Và Ngài mời gọi con lên đường đi vào giữa lòng nhân thế. Chúa muốn con lên đường để đem tình thương và chân lý đến cho mọi người, một sứ vụ quá cao cả và lời mời gọi thì quá thiết tha. Con biết mình sẽ chẳng làm được gì to lớn. Nhưng Chúa cần sự hiện diện của con như một bé thơ. Sự vui sướng tràn trề và niềm hoan lạc, an bình của con khi có Chúa sẽ đem lại niềm an vui cho những ai con gặp gỡ.
Cuộc đời dù có lắm bão táp phong ba thì con vẫn hiên ngang, an bình ra đi vì được ấp yêu trong trái tim từ mẫu của Chúa. Mãi mãi con xin được làm bé thơ để được trọn đời nương mình bên Chúa và được ở trong vòng tay yêu mến của Ngài.
Agatha Thuý Cẩm
Read more…

Hành Trình Ơn Gọi

06:38 | Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015
Hành trình đức tin của người Kitô hữu là một hành trình đi về với Chúa. Sau bao nhiêu năm giữ đạo, tôi đã đi đến đâu? Tôi đã thực sự gặp được Chúa chưa?
Các bài sách thánh hôm nay đều nói về ơn gọi. Ơn gọi của Samuel thật lạ lùng. Còn ơn gọi của Anrê và Gioan diễn ra nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, dù mạnh mẽ lạ lùng hay nhẹ nhàng bình thường, hành trình ơn gọi nào cũng trải qua bốn giai đoạn.
1. Giai đoạn thứ nhất: Chúa kêu gọi
Việc Chúa kêu gọi không xảy ra tức khắc trong một lần, nhưng diễn tiến tuần tự, chậm rãi với mức độ tăng dần, tùy sự đón nhận của người nghe.
Thoạt tiên là một lời kêu gọi nhẹ nhàng qua một thiên hướng, một ước nguyện của người thân, một gương mẫu, một thần tượng. Ở Samuel, đó là ước nguyện của bà mẹ muốn tạ ơn Chúa. Ở Anrê và Gioan, đó là thiên hướng đi tìm lý tưởng.
Sau đó, Chúa có thể dùng các trung gian dẫn ta đến với Chúa. Trong trường hợp Samuel, người trung gian là thày cả Hêli. Còn trong trường hợp Anrê và Gioan, thánh Gioan Baotixita đã làm trung gian đưa hai môn đệ đến với Đức Giêsu.
2. Giai đoạn hai: Ta đáp trả
Nếu ta trung thành đáp trả mỗi khi nghe tiếng Chúa kêu gọi, Chúa sẽ tiếp tục gọi ta đi vào những đoạn đường mới, mỗi lúc một khó khăn hơn. Tiếng Chúa mời gọi mỗi lúc một mãnh liệt hơn, đòi hỏi ta phải trả lời mỗi lúc một dứt khoát hơn. Cho đến một thời điểm quyết định, Chúa sẽ đưa ra lời mời gọi cuối cùng đòi ta trọn vẹn dấn thân lên đường theo Chúa. Với Samuel, việc Chúa ba lần cất tiếng gọi chứng tỏ Chúa tha thiết muốn tuyển chọn ông. Với Anrê và Gioan, việc Đức Giêsu mời hai ông đến chỗ Ngài ở đã khiến hai ông phải dứt khoát với quá khứ để bắt đầu một giai đoạn mới.
3. Giai đoạn ba: Sống thân mật với Chúa
Tuyệt đỉnh của ơn gọi không phải là làm việc cho Chúa, nhưng là sống thân mật với Chúa. Chúa không kêu gọi ta theo một chủ thuyết nhưng kêu gọi ta theo Chúa. Ta đến với Chúa không phải để học những bài học lý thuyết nhưng để tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống của Chúa là sự sống thần linh nâng ta lên hưởng nếm sự ngọt ngào của tình Cha – Con thắm thiết. Sự sống của Chúa là tình yêu đưa ta vào hạnh phúc của người biết mình được yêu thương.
Trong tình yêu Thiên Chúa, tâm hồn ta được gột rửa sạch mọi tội lỗi.
Trong tình yêu Thiên Chúa, trái tim ta trở nên dịu dàng, hiền hoà rộng mở để tha thứ và đón nhận mọi người.
Hạnh phúc sống trong tình yêu Thiên Chúa lớn lao đến độ biến đổi toàn bộ cuộc đời ta. Ai đã một lần nếm cảm sẽ không còn mơ ước điều gì khác nữa.
Sau khi được tiếp xúc thân mật với Chúa, trọn cuộc đời Samuel hoàn toàn dâng hiến cho Chúa. Sau một buổi chiều thân mật sống với Đức Giêsu, hai tông đồ Anrê và Gioan gắn bó với Người, cho đến chết vì Người.
4. Giai đoạn bốn: Làm chứng cho tình yêu Chúa
Cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa rồi, ta sẽ không thể làm điều gì khác hơn là ra đi làm chứng về tình yêu đó. Giống như dòng suối sung mãn tràn xuống thành thác, tâm hồn tràn đầy tình yêu sẽ cất lên thành lời ca tụng, giới thiệu tình yêu Thiên Chúa cho mọi người.
Sau khi gặp Đức Giêsu, Anrê vội vã đi tìm em là Phêrô để dẫn đến giới thiệu với Người. Từ đó, Anrê theo Đức Giêsu cho đến cuối đời. Ông đã đem chính mạng sống làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Ông đã đổ máu ra để chứng thực tình yêu ấy. Ông dám khước từ cuộc sống trần gian vì ông đã biết đến hạnh phúc đích thực trong tình yêu Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi đến sống thân mật với Người trong tình Cha-Con thắm thiết.
Lời Chúa vang lên khi ta chịu phép Rửa tội.
Lời Chúa tiếp tục mời gọi ta khi ta lãnh nhận các bí tích, khi ta nghe sách thánh, khi ta học giáo lý, khi ta tĩnh tâm, nghe giảng.
Lời Chúa lúc thì nhẹ nhàng thoang thoảng, khi thì mãnh liệt thiết tha. Nhiều lúc ta tưởng đến nhà thờ vào ngày Chủ nhật là đã đáp lại tiếng Chúa mời gọi, nhưng không phải. Chúa không mời gọi ta chỉ đi lễ như trả nợ. Chúa muốn ta thực sự gặp gỡ Người, tiếp xúc thân mật với Người, sống thân thiết với Người trong tình con thảo.
Hành trình đức tin của người Kitô hữu là một hành trình đi về với Chúa. Sau bao nhiêu năm giữ đạo, tôi đã đi đến đâu? Tôi đã thực sự gặp được Chúa chưa? Tôi đã tiến đến gần Chúa chưa? Hay là tôi mới ở khởi điểm? Hãy đến, Chúa đang mời gọi ta. Chúa đang chờ đợi ta. Chúa đang mở rộng vòng tay, mở rộng trái tim để đón ta đến sống trong tình yêu của Người. Tình yêu ấy là hạnh phúc muôn đời của ta.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Có khi nào bạn nghe thấy tiếng Chúa mời gọi không?
2. Bạn đã quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi chưa?
3. Có bao giờ bạn cảm nghiệm được tình yêu của Chúa chưa?
ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Read more…

Tường thuật ngày thứ ba chuyến ĐTC Phanxicô viếng thăm Sri Lanka (1/3)

02:53 | Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015
** Hôm qua thứ năm 15 tháng giêng là ngày chót trong chuyến viếng thăm Sri Lanka ĐTC Phanxicô đã chỉ có một sinh Hoạt chính là thăm Học viện văn hóa Biển Đức XVI tại Bolawalana, cách Colombo 35 cây số, trước khi từ giã Sri Lanka để lên đường sang Philippines. Tuy nhiên ngài cũng đã có một sinh hoạt ngoài chương trình, đó là thăm một ngôi chùa Phật giáo và gặp nguyên tổng thống Mahinda Rajapaksa.

Lúc 6 giờ rưỡi sáng ĐTC đã dâng thánh lễ riêng trong nhà nguyện Tòa Sứ Thần. Sau đó lúc 7 giờ 45 ĐTC đi xe đến Bolawalana. ĐTC đã được Linh Mục Mahamalage Quintus Fernando viện trưởng Học Viện Biển Đức XVI tiếp đón và tháp tùng vào nhà nguyện Học viện. ĐTC đã qùy cầu nguyện trong thinh lặng. Bên trong nhà nguyện cũng có 10 linh mục dòng Tên thuộc cộng đoàn gần Học viện, một ca đoàn và vài dân chài của vùng này. Bên ngoài nhà nguyện có 250 công nhân đã cộng tác trong việc xây cất Học viện. Nhà nguyện được dâng kính “Đức Bà Lanka”. Đền thánh Đức Bà Lanka tại Colombo có từ năm 1911 ban đầu dược dâng kính Đức Mẹ Lộ Đức, năm 1917 có thêm một hang đá và là nơi thu hút tín hữu hành hương. Sau đó đền thánh được nới rộng và hồi Đệ nhị thế chiến bùng nổ ĐHY Jean Marie Masson thuộc dòng Hiến sinh vô nhiễm, TGM Colombo, khấn hứa dâng một đền thánh với tên “Đức Bà Lanka”, nếu Sri Lanka không bị chiến tranh tàn phá. Đền thánh được hoàn thành năm 1974 và được Đức Phaolô VI nâng lên hàng Tiểu vương cung thánh đường trong ngày thánh hiến cùng năm. 

Học viện Biển Đức XVI thành hình năm 2011 do sáng kiến của ĐHY Malcom Ranjith, TGM Colombo. Học viện có mục đích cộng tác với các giới chức chính quyền và các tổ chức khác trong việc tái thiết quốc gia sau ba mươi năm nội chiến. Học viện bao gồm một ban đối thoại liên tôn và cộng tác, một ban ngữ học chuyên dậy các thứ tiếng ngoại quốc bắt đầu bằng tiếng Anh đang trở thành ngôn ngữ chung của Sri Lanka, và một ban nghiên cứu các môn học cao đẳng gồm các khoa nhân văn, triết học, thần học, kinh tế, thương mại, tin học vv…

Sau khi thăm Học viện Biển Đức XVI lúc 8 giờ rưỡi ĐTC đã đi ra phi trường cách đó 8 cấy số để từ biệt Sri Lanka lấy máy bay sang Philippines.

ĐTC đã được tổng thống tân cử Sirisena tiếp đón trong phòng khách. Cùng hiện diện có một số giới chức lãnh đạo đạo đời, tất cả các Giám Mục Sri Lanka và một nhóm tín hữu. ĐTC và tổng thống đã duyệt hàng chào danh dự. ĐTC đã bắt tay từ biệt các vị lãnh đạo đạo đời. Tổng thống đã tiễn ĐTC tới tận chân thang máy bay.

** Chiếc máy bay Airbus 340 của hãng hàng không Sri Lanka đã cất cánh rời phi trường Colombo lúc 9 giờ sáng và trực chỉ Manila. Máy bay chở ĐTC và đoàn tùy tùng bay ngang qua không phận các nước Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan. Campuchia và Việt Nam, trước khi tới Philippines. 

ĐTC đã gửi điện tín chào tổng thống Maithripala Sirisena và quốc dân Sri Lanka. Ngài bầy tỏ lòng biết ơn sự tiếp đón nồng hậu của tổng thống, chính quyền và toàn dân Sri Lanka và bảo đảm lời cầu nguyện của ngài cho hòa bình, hiệp nhất và thịnh vượng của Sri Lanka.

Khi máy bay bay trên không phận của Ấn Độ ĐTC gửi điện tín chào thăm và khẩn cầu phước lành tràn đầy của Thiên Chúa trên trên tổng thống Pranab Mukherjee và nhân dân Ấn. 

Qua không phận Thái Lan ĐTC gửi lời chào thăm quốc vương Bhumibol Adulayadej và bảo đảm cầu nguyện cho nhà vua và toàn dân Thái được tràn đầy ơn hòa bình và thịnh vượng của Thiên Chúa.

Khi bay trên không phận Campuchia ĐTC gửi điện tín chào thăm và khẩn cầu phước lành tràn đầy của Thiên Chúa trên vua Norodom Sihamoni và quốc dân. 

Khi máy bay ở trên bầu trời Việt Nam ĐTC đã gửi điện tín cho ông Trương Tấn Sang Chủ tịch nưóc Cộng hòa xã hội Việt Nam. Ngài bảo đảm các lời cầu nguyện cho ông và toàn dân Việt Nam và khẩn nài Thiên Chúa ban ơn hòa bình và thịnh vượng trên mọi người.

** Sau 6 giờ 15 phút bay vượt chặng đường dài 4.567 cây số, chiếc Airbus 340 đã tới phi trường Villamor Manila lúc 17 giờ 45 giờ địa phương. 

Bầu khí chờ đợi ĐTC tại Philippines rất là hân hoan. HĐGM đã ra thông cáo mời gọi đánh chuông 60.000 nhà thờ và hằng trăm ngàn nhà nguyện trên toàn nước để chào mừng ĐTC, khi ngài đến phi trường Manila. Đây là lần thứ tư một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm Philippines. Lần đầu tiên là Đức Phaolô VI hồi năm 1970 tức cách đây 45 năm, tiếp theo đó là Đức Gioan Phaolô II trong hai năm 1981 và 1995.

Đón tiếp ĐTC tại phi trường có ĐHY Luis Antonio Tagle TGM Manila, ĐC Socrates Villegas, TGM Lingayen-Dagupan, Chủ tịch HĐGM Philippines, ĐTGM Giuseppe Pinto, Sứ Thần Tòa Thánh tại Philippines, các Giám Mục thuộc ban Thường Vụ. Về phiá chính quyền có Tổng thống Benigno Simeon Aquino III, một số vị lãnh đạo dân sự. Cũng có mấy ngàn bạn trẻ vùa hát vừa múa chào mừng ĐTC. Bên canh đó là một ban vũ thiếu nhi mặc áo có cánh thiên thần và hàng chục ngàn tín hữu cầm cờ Toà Thánh và cờ Philippines vẫy chào ĐTC.

Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Philippines và bà đại sứ Philippines cạnh Tòa Thánh đã lên máy bay chào ĐTC.

Tổng thống Aquino đã đón ĐTC tại chân thang máy bay. Sau khi ĐTC và tổng thống bước lên bục, ban quân nhạc đã trổi quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Phihlippines. Tiếp đến ĐTC và tổng thống duyệt hàng chào danh dự. Hai em bé một trai một gái đến tặng hoa cho ĐTC. Tổng thống giới thiệu với ĐTC một vài giới chức chính quyền. ĐTC đã chào các Giám Mục và ĐHY Tagle. Tiếp đó ĐTC đã lên xe díp trắng để vể Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 9 cây số. Lễ nghi tiếp đón chính thức sẽ chỉ diễn ra sáng thứ sáu 16 tháng giêng, khi ĐTC đến viếng thăm xã giao tổng thống.

Hai bên đường từ phi trường về Toà Sứ Thần cách đó 9 cây số cũng đầy tín hữu đúng hai bên đường chào đón ĐTC. Xe đã tới Tòa Sứ Thần 45 phút sau đó. ĐTC đã dùng bữa tối và nghỉ ngơi lấy sức cho các sinh hoạt tiếp theo.

** Manila là thủ đô của Philippines từ năm 1591, nằm trên bờ biển phía đông đảo Luzon, là đảo lớn nhất của quần đảo Philippines gồm hơn 7.100 đảo. Cấu trúc thành phố có từ thời Tây Ban Nha đô hộ với các bức tường của thành cổ có pháo đài gọi là Intramuros. Manila hiện có 1,5 triệu dân cư và là trung tâm của một vùng thành phố khác là Metro Manila bao gồm 17 thành phố chung quanh có tổng cộng 12 triệu dân. Ở mạn nam Intramuros là công viên Rizal, nơi ĐTC sẽ cử hành thánh lễ cho tín hữu ngày 18 tháng hai. Manila có nhiều nơi phụng tự công giáo trong đó có nhà thờ chính toà nơi ĐTC sẽ cử hành thánh lễ cho hàng giáo sĩ và tiểu vương cung thánh đường Thánh Sebastian kiểu gô tích hoàn toàn bằng thép. Manila cũng có khoảng 30 đại học, học viện và viện cao học bách khoa, kỹ thuật, nổi tiếng nhất là Đại học giáo hoàng thánh Toma, nơi ĐTC sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo và giới trẻ Philippines.

Tổng giáo phận Manila có từ năm 1595, có 3 triệu 484 ngàn dân trong đó có 3 triệu 49 ngàn người công giáo, tức chiếm 88%. Giáo phận có 88 giáo xứ, 260 nhà thờ hay cứ điểm truyền giáo, 271 linh mục giáo phận, 369 linh mục dòng, 529 tu huynh, 899 nữ tu khấn trọn, 89 đại chủng sinh và 1 thầy sáu vĩnh viễn. Giáo Hội điều khiển 204 cơ sở giáo dục và 38 trung tâm bác ái.

Sáng thứ sáu hôm nay ĐTC được chính thức tiếp đón tại Dinh Tổng thống Malacanhăng, gặp gỡ chính quyền và ngoại giao đoàn, rồi lúc 11 giờ cử hành thánh lễ cho hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và chủng sinh trong nhà thờ chính tòa Manila. Vào ban chiều ngài gặp gỡ các gia đình tại tòa nhà thể thao “Mall of Asia Arena”.

Để kết thúc bài theo gót ĐTC sau đây là bài phỏng vấn ĐHY Luis Antonio Gokim Tagle, TGM Manila dành cho phái viên Sean Lovett của chương trình tiếng Anh đài Vaticăng, về bầu khí chờ đợi ĐTC, kỷ niệm chuyến viếng thăm của Đức Phaolô VI và bầu khí chờ đợi ĐTC Phanxicô.

Hỏi: Thưa ĐHY, tình hình Philippines hiện nay ra sao?
Đáp: Philippines vừa mới lấy lại sức sau trận bão vừa qua. Trong lúc này đây tôi vẫn còn nhớ như in các hình ảnh tàn phá: cây cối trụi hết không còn một lá nào, tuy nhiên các đường xá được quét dọn sạch sẽ và lề đường được lót lại để chuẩn bị tiếp đón ĐTC… 

Hồi Đức Phaolô VI viếng thăm Philippines dân chúng đã rất hăng say tiếp đón ngài như là một ơn từ trời, Đức Phaolô VI đã muốn đến thăm các gia đình nghèo của quận Tondo ỏ Manila, nổi tiếng là một trong những vùng nghèo nhất của thành phố. Người dân tại đây vẫn còn nhớ chuyến viếng thăm ấy của Đức Phaolô VI. Khi tôi tới thăm giáo xứ nhân một dịp lễ cha sở và tín hữu tại đây đã chỉ cho tôi thấy căn nhà nơi Đức Phaolô VI đã thăm. Còn có các kỷ niệm các hình ảnh và các hiệu quả của chuyến viếng thăm cách đây 45 năm đó.

Hỏi: Có tương quan giữa hai chuyến viếng thăm của hai vị Giáo Hoàng không, vì có đề tài về lòng thương xót và đối thoại…
Đáp: Vâng, có tương quan giữa hai cuộc viếng thăm. Chúng ta phải nhớ tới các người mà Đức Phaolô VI đến gặp gỡ hồi năm 1970, là các Giám Mục Á châu tụ tập về để gặp ĐGH. Và chính trong dịp này tại Manila với sự khích lệ của Đức Phaolô VI Liên Hội Đồng Gám Mục Á châu đã chào đời. Đức Phaolô VI cũng đã khánh thành đài phát thanh Chân Lý Á châu để có thể loan báo Tin Mừng cho các dân tộc Á châu qua Radio. Trong một nghĩa nào đó, chuyến viếng thăm của Đức Phaolô VI đã như là tiếp nhận Công Đồng Chung Vaticăng II tại Á châu, với hình ảnh của ĐTC mời gọi chúng tôi đối thoại và tài liệu Giáo Hội Người. Thế rồi bốn năm sau tại Đài Loan năm 1974 đã có đại hội đầu tiên của Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu về đề tài rao giảng Tin Mừng tại Á châu. Theo Đức Phaolô VI việc rao truyền Tin Mừng phải xảy ra qua đối thoại. Như thế các biến cố có liên hệ với nhau.

Hỏi: Không có nhiều người nối liền Đức Phaolô VI với Đức Phanxicô. ĐHY có làm điều này không?
Đáp: Ồ, có chứ. Tôi có làm điều đó. Khi có người nói một cách tích cực cũng như một cách tiêu cực rằng “ĐTC Phanxicô đang làm một cuộc cách mạng, đang đối thoại, đang ôm hôn người nghèo”, thì tôi nói là đã thấy nơi Đức Phaolô VI rồi trong lộ trình của ngài và trong con người của ngài. Trực giác này, quan niệm này mà ĐTC Phanxicô xem ra đang lấy lại và tái đề nghị, tôi đã sống như là chứng nhân trong các nghiên cứu và cuộc gặp gỡ của tôi với Đức Phaolô VI tại Philippines. Các cử chỉ biểu tượng của Đức Phaolô VI xem ra đã mở đường cho Đức Phanxicô.

Hỏi: ĐTC Phanxicô đã nói là ngài mang theo một sứ điệp cảm thương đến cho người nghèo, cho các nạn nhân của bão lụt và động đất, và xin đừng chi phí nhiều cho các việc chuẩn bị đón tiếp, có đúng thế không thưa ĐHY?
Dáp: Vâng, đây là dấu vết các chuyến viếng thăm của ngài. Bên Nam Hàn cũng thế ĐTC sẽ không hài lòng thấy các chuẩn bị lộ liễu. Cả bàn thờ dâng thánh lễ cũng phải đơn sơ, là dấu chỉ của vị Giáo Hoàng này, của sự đơn sơ của ngài.

Hỏi: Người dân Philippines rất quảng đại trong việc diễn tả lòng trìu mến của họ Có khó kìm hãm họ không thưa ĐHY?
Đáp: Trong một kiểu nào đó thì khó kìm hãm họ. Nhưng chúng tôi đã không chỉ làm cho dân chúng hiểu các ước muốn của ĐTC, mà cũng hiểu các dấu chỉ thời đại nữa. Chúng tôi không muốn dấy lên gương mù gương xấu. Tất cả mọi người đều có thể tìm một cớ để dành cho ngài một sự tiếp đón sang trọng, vì có gì đi nữa thì ngài cũng là Giáo Hoàng, Nhưng chúng tôi phải ý thức đối với biết bao nhiêu người mà chúng tôi phải tiếp đón hằng ngày giữa chúng tôi: những người nghèo và đói. Vì thế tất cả tiền tiết kiệm được cho chuyến viếng thăm của ĐTC sẽ được dùng để trợ giúp người nghèo. Và ĐTC đã rất rõ ràng trong việc này.

Hỏi: Thế giới đã chú ý rất nhiều đến Philippines sau trận bão Haiyan và Hagupit, nhưng ĐHY đã thường nói đến các trân bão thường ngày ập đổ trên Philipines…
Đáp: Vâng chúng tôi thường có các trận bão, trung bình khoảng 20 tới 22 trận bão mỗi năm. Chúng tôi cũng thường có động đất ở các mức độ khác nhau. Chúng khiến cho thế giới chú ý vì sức tàn phá rộng rãi của chúng. Nhưng, như tôi đã nói trong nhiều dịp, chúng ta không được quên các trận bão hằng ngày, các trận động đất hằng ngày do nghèo đói, gian tham hối lộ, các thoả hiệp thương mại sỗ sàng và các thực hành không liêm chính gây ra cho người dân. Cả khi mặt trời rạng rỡ, bóng tối lan tràn trong cuộc đời của biết bao nhiêu người. Cả trong Thượng Hội Đồng Giám Mục tôi đã nhắc tới những người trong các nhóm bé nhỏ, đối với chúng tôi bên Á châu, sự nghèo túng không phải là một cái gì ngoại tại đối với gia đình. Nó ghi đậm dấu trên cuộc sống, trên tế bào gia đình. Khi tôi thăm một nhà tiếp đón các trẻ em và người trẻ lang thang ngoài đường ban đêm, tôi mới nhận ra rằng cha mẹ các em khoan nhượng với tất cả những điều đó, bởi vì họ hy vọng rằng các nhân viên của chính quyền có thể tiếp đón con cái họ và nuôi dạy chúng trong các nhà tiếp đón. Họ không phải là các cha mẹ lơ là với con cái của họ, nhưng họ là các cha mẹ qúa nghèo không có gì cho con ăn cả, và họ nói với con cái họ: “Sao con không đi ra ngoài và khi cảnh sát đem con vào nhà tiếp đón, tại sao con không đi với họ? Con sẽ có được an ninh ban đêm. Cho đêm nay con có một mái nhà và thức ăn”.

Hỏi: ĐTC Phanxicô đã nói rằng ngài muốn chuyến viếng thăm không tập trung nơi ngài, nhưng tập trung nơi Chúa Giêsu và nơi gương mặt của những người nghèo. ĐTC có đưa ra các chỉ dẫn nào khác không thưa ĐHY?
Đáp: Ngài không muốn mất thởi giờ trong những chuyện có thể làm cho ngài chia trí đối với trọng tâm sứ mệnh của ngài là gặp gỡ người nghèo và lắng nghe họ. Trong chuyến viếng thăm của ĐTC có nhiều người hỏi: “Chúng con có thể gặp ĐGH một phút không? Có thể dâng tặng cho ngài cái này cái kia không?” Tất cả đều rất đẹp. Nhưng nếu chỉ có ba ngày thăm viếng, thì cần phải lựa chọn. Và cũng cần tiết kiệm sức lực cho ĐTC nữa. Các chuyến bay dài, việc thay đổi khí hậu, thay đổi múi giờ, thay đổi thực phẩm vv… có thể khiến cho một người 78 tuổi kiệt lực. Cần phải sử dụng các sức lực ấy cho sứ mệnh của ngài. Vì thế chúng tôi đang giúp ĐTC tập trung vào các cuộc gặp gỡ của ngài với các gia đình và với giới trẻ tại Manila. Trong các cuộc gặp gỡ này ngài cũng sẽ lắng nghe các chuyện của các gia đình gặp khó khăn, các gia đình đã là nạn nhân của nhiều trận bão lụt, cũng như lắng nghe các khó khăn của giới trẻ. Như tôi đã nói, có một loại bão xảy ra không phải chỉ tại một nơi, nhưng tại khắp nơi. ĐTC sẽ lắng nghe họ, và không phải chỉ có ngài sẽ ban lời an ủi cho họ, mà ngài cũng được củng cố bởi chính đức tin của các người đáng thương này nữa. 

Hỏi: Như là TGM Manila, đâu là thách đố lớn nhất của ĐHY trong việc tổ chức một biến c phức tạp như chuyến viếng thăm này của ĐTC?
Đáp: Chúng tôi đã thành lập một nhóm hỗn hợp gồm các người của chính quyền, của lãnh vực kinh tế và của Giáo Hội. Và ủy ban này đã là một kết qủa chuyến viếng thăm của ĐGH rồi: vị chủ chăn hoàn vũ tạo ra ý thức về gia đình. Và tôi rất hạnh phúc. Tôi chắc chắn rằng cả sau chuyến viếng thăm này nữa ý thức của sự hiệp thông, của sự cộng tác tất cả cùng nhau sẽ tiếp tục. Tôi muốn duy trì sự hợp tác này.

Hỏi: ĐHY nghĩ chuyến viếng thăm này của ĐTC có đặc tính nào?
Đáp: Một cuộc gặp gỡ với nhiều đau khổ. Nhưng sứ điệp kitô không kết thúc với khổ đau, vì luôn luôn có một sự Phục Sinh. Và tôi hy vọng rằng ĐTC sẽ trông thấy điều này giữa những người đã đau khổ và tiếp tục đau khổ.

Linh Tiến Khải
Nguồn: VietVatican
Read more…
Trang 1 / 2512345...25»