Giáo Hội gồm tất cả các người đã được rửa tội sống đức tin cậy mến một cách cụ thể

19:34 | Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014
Giáo Hội không chỉ là Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, các linh mục và những người sống đời thánh hiến, mà bao gồm tất cả các tín hữu được rửa tội là những người theo Chúa Giêsu, sống tin cậy mến và gần gũi các anh chị em khổ đau, những người rốt hết, tìm thoa dịu các khổ đau và đem lại cho họ một chút ủi an và hòa bình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 60.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hằng tuần sáng thứ tư 29-10-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, trong các bài giáo lý trước đây chúng ta đã có thể minh nhiên thực tại tinh thần của Giáo Hội: Giáo Hội là thân mình của Chúa Kitô, được xây dựng trong Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, khi chúng ta đề cập tới Giáo Hội, lập tức chúng ta nghĩ tới các cộng đoàn, các giáo xứ, các giáo phận, trong đó chúng ta thường tụ họp và dĩ nhiên cũng nghĩ tới các thành phần và cơ cấu cai quản nó. Đó là thực tại hữu hình của Giáo Hội. Nhưng đâu là tương quan giữa thực tại hữu hình và thực tại thiêng liêng của Giáo Hội?

Trước hết khi nói tới thực tại hữu hình của Giáo Hội, chúng ta không chỉ được nghĩ tới Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, các linh mục và những người sống đời thánh hiến mà thôi. Đức Thánh Cha giải thích chiều kích hữu hình của Giáo Hội như sau:

Thực tại hữu hình của Giáo Hội được tạo thành bởi biết bao nhiêu anh chị em đã được rửa tội trong thế giới, những người sống tin, cậy, mến. Nhưng có biết bao lần chúng ta nghe nói rằng: Giáo Hội không làm điều này, Giáo Hội không làm điều nọ. Nhưng xin bạn nói cho tôi biết Giáo Hội là ai. Giáo Hội là các linh mục, các giám mục, Đức Giáo Hoàng...Ồ, Giáo Hội là chúng ta tất cả. Tất cả chúng ta là Giáo Hội, là Giáo Hội của Chúa Giêsu. Giáo Hội được làm thành bởi tất cả những người theo Chúa Giêsu và nhân danh Người, gần gũi những người rốt hết, những người khổ đau, bằng cách tìm cống hiến cho họ một chút nhẹ nhõm, ủi an và hòa bình. Tất cả, tất cả những người làm điều Chúa truyền dậy, tất cả những người làm điều đó là Giáo Hội.

Khi đó chúng ta ta hiểu rằng cả thực tại hữu hình của Giáo Hội cũng không thể đo lường được, không thể biết được trong tất cả sự tràn đầy của nó: làm sao mà biết được tất cả thiện ích được Giáo Hội làm? Biết bao nhiêu công việc của tình yêu, biết bao nhiêu trung thành trong các gia đình, biết bao nhiêu công việc để giáo dục con cái, để làm cho tiến tới, để thông truyền đức tin, biết bao nhiêu khổ đau nơi các người đau yếu hiến dâng các khổ đau của họ cho Chúa. Điều này không thể đo lường được và nó lớn lao biết bao, lớn lao biết bao!

Làm sao mà biết được tất cả các điều huyền diệu, mà qua chúng ta, Chúa Kitô thực hiện trong con tim và cuộc sống của từng người? Anh chị em thấy không: cả thực tại hữu hình của Giáo Hội cũng vượt qúa sự kiểm soát của chúng ta, vượt quá các sức lực của chúng ta và là một thực tại nhiệm mầu, bởi vì nó đến từ Thiên Chúa.

Để hiểu tương quan giữa thực tại hữu hình và thực tại tinh thần của Giáo Hội, không có con đường nào khác ngoài việc nhìn vào Chúa Kitô, mà Giáo Hội là thân mình và từ đó Giáo Hội được sinh ra trong một cử chỉ của tình yêu vô tận. Thật thế, cả nơi Chúa Kitô, nhờ sức mạnh của mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta cũng nhận ra một bản tính nhân loại và một bản tính thiên linh, hiệp nhất trong cùng một con người một cách tuyệt diệu và bất khả phân ly. Điều này cũng có giá trị đối với Giáo Hội. Như nơi Chúa Kitô nhân tính hoàn toàn tạo thuận tiện cho thiên tính và phục vụ thiên tính, nhằm thành toàn ơn cứu độ, thực tại hữu hình cũng làm như thế đối với thực tại tinh thần nơi Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội cũng là một mầu nhiệm, trong đó điều người ta không trông thấy quan trọng hơn điều trông thấy, và chỉ có thể được nhận ra với con mắt đức tin (LG 8).

Tuy nhiên, trong trường hợp của Giáo Hội chúng ta phải tự hỏi: thực tại hữu hình có thể phục vụ thực tại tinh thần như thế nào? Một lần nữa chúng ta có thể hiểu điều này, khi nhìn vào Chúa Kitô. Chúa Kitô là mẫu gương, mẫu gương của Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội là thân mình Người. Người là gương mẫu của tất cả mọi kitô hữu, của chúng ta tất cả. Nhìn lên Chúa Kitô chúng ta không sai lầm. Khi nhìn Chúa Kitô, chúng ta không sai lầm.

Trong Phúc Âm thánh sử Luca kể lại biến cố Chúa Giêsu trở về Nagiarét nơi Người đã lớn lên, vào hội đường và đọc đoạn sách của ngôn sứ Isaia nói về chính Người rằng: ”Thần Khí Chúa ngự trên Tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong Tôi, để Tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai Tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19). Đó, Chúa Kitô đã dùng nhân tính của Người để loan báo và thực hiện chương trình cứu độ và cứu rỗi của Người như thế nào, thì Giáo Hội cũng phải làm như thế.

Qua thực tại hữu hình, qua các bí tích và chứng tá của mình, Giáo Hội được mời gọi mỗi ngày gần gũi mọi người, bắt đầu từ những ai nghèo khó, khổ đau và bị gạt bỏ ngoài lề, để tiếp tục làm cho tất cả mọi người cảm nhận được cái nhìn cảm thông và xót thương của Chúa Giêsu.

Anh chị em thân mến, như Giáo Hội chúng ta thường sống kinh nghiệm sự giòn mỏng và các hạn hẹp của chúng ta. Chúng ta tất cả đều là thế. Tất cả chúng ta đều có chúng. Tất cả chúng ta đều tội lỗi. Không ai trong chúng ta có thể nói rằng ”Tôi không phải là người tội lỗi”. Nếu có ai trong anh chị em cảm thấy mình không là người có tội, thì hãy giơ tay lên. Xem có bao nhiêu người nào! Không thể được. Chúng ta tất cả đều như thế. Và sự giòn mỏng này, các hạn hẹp này, các tội lỗi này của chúng ta thật phải lẽ là chúng gây ra nơi chúng ta sự hối tiếc sâu xa, nhất là khi chúng ta làm gương xấu và nhận ra rằng mình trở thành cớ gây gương mù gương xấu. Có biết bao nhiêu lần chúng ta đã nghe nói trong khu xóm rằng: ”Người đó luôn đi nhà thờ nhưng lại nói xấu mọi người, vặt lông mọi người”. Nói xấu người khác thật là gương mù gương xấu biết bao! Đó không phải là kitô, đó là một gương xấu, là một tội. Và như thế là chúng ta làm gương xấu. Nếu ông này bà nọ là kitô hữu, thì tôi xin làm người vô thần”. Bởi vì chứng tá của chúng ta là điều giúp hiểu kitô hữu là thế nào. Chúng ta hãy cầu xin để đừng là lý do gây gương mù gương xấu. Như vậy chúng ta hãy xin ơn đức tin, để có thể hiểu rằng tuy chúng ta ít ỏi và nghèo nàn, Chúa đã thật sự khiến cho chúng ta trở thành dụng cụ ơn thánh và dấu chỉ hữu hình tình yêu của Ngài đối với toàn nhân loại.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu đến từ các nước Bắc Mỹ và Âu châu cũng như từ Nigeria, Ấn Độ, Mehicô, Argentina và Brasil.

Nhắc tới ngày lễ các Thánh Nam Nữ ngày mùng 1 tháng 11 sắp tới, Đức Thánh Cha xin các tín hữu Ba Lan cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những người nam nữ đã biết cộng tác với ơn thánh Chúa và có can đảm làm chứng cho đức tin, đức cậy và đức mến trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta hãy học hỏi nơi họ để trở nên thánh trong thời đại chúng ta.

Ngài khuyến khích các bạn trẻ biết noi gương các Thánh, người đau yếu biết dâng các khổ đau để cầu nguyện cho ơn hoán cải của những ai cần hoán cải, và các cặp vợ chồng mới cưới lo lắng cho sự trưởng thành của đức tin trong cuộc sống hôn nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải
Nguồn: VietVatican
Read more…

Suy Niệm Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên

07:04 | Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014
Lời Chúa: Lc 13, 31 – 35
(31) Cũng vào giờ ấy, có mấy người Pharisêu đến thưa Ðức Giêsu rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!” (32) Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. (33) Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được.
(34) “Giêrusalem, Giêrusalem! Người giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Ðã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các người không chịu. (35) Thì này, nhà các người sẽ bị bỏ mặc cho các người. Mà Ta nói cho các người hay: các người sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các người nói:
Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa!”
Suy Niệm:
Cái chết luôn là một đe dọa đối với con người. Lo sợ càng tăng khi cái chết là một cực hình. Là con người như chúng ta, Chúa Giêsu cũng không tránh khỏi những lo âu sợ hãi trước cái chết như Ngài đã cho thấy điều đó trong cơn hấp hối tại vườn Giêtsimani. Tuy nhiên, trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã tỏ ra bình thản trước việc Hêrôđê đang tìm cách sát hại Ngài, Chúa Giêsu bình thản đến độ dững dưng với thách đố ấy. Tại sao?thưa tại bởi Ngài luôn trung thành tuyệt đối với ý định của Thiên Chúa. Thật vậy, cả cuộc đời Ngài là một tiếng xin vâng đối với thánh ý của Chúa Cha. Do đó một khi biết rằng có một hiến lễ phải hoàn tất và hiến lễ ấy nằm trong chương trình của Thiên Chúa, thì không gì phải làm Ngài bận tâm, ngoài việc chu toàn công việc được giao phó.
Còn chúng ta thì sao? Trước những khổ đau và nghịch cảnh của cuộc sống, chúng ta đã xác tín vào Thiên Chúa chưa? Hay chúng ta đã quá lo lắng, sợ hãi đến nỗi phải đi coi bói, hoặc tin tưởng vào một điều dị đoan nhảm nhí nào đó. Tệ hơn nữa, vì hiềm khích, tham lam và kiêu ngạo, ta đã đắm chìm trong tội, nên không thể nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Ta đã bị một lớp mây mù dày đặc của tội lỗi làm cho mắt mình không còn phân biệt được tốt – xấu. Hay đôi khi nhận ra, nhưng vì miếng cơm, manh áo, vì danh dự, vì chức quyền, ta đã nhắm mắt trước tình yêu của Ngài, và đã đi ngược lại với tiếng Lương Tâm.
Vậy, chớ gì Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta có được một xác tín: Thiên Chúa là người Cha đầy yêu thương, nhờ đó, chúng ta sẽ có được sự tin tưởng phó thác trước tương lai và bình an trong mọi thử thách, mọi nghịch cảnh ở đời vì biết rằng tương lai không hoàn toàn thuộc về mình và mọi nghịch cảnh có xảy đến cho ta cũng không nằm ngoài ý định yêu thương của người Cha. Đồng thời còn biết sẵn sàng chấp nhận số phận thương đau với Chúa bằng một sự kiên trì nhẫn nại vì: “Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi”. Amen.
Lm. Phaolô Nguyễn Nguyên
Read more…

Thiên Chúa Là Tình Yêu

07:03 | Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014
… Thiên Chúa luôn bao bọc trở che chúng ta dướng bóng cách của Người lúc mưa, lúc nắng, khi bão tố, hay khi bị kẻ thù tấn công. Người yêu thương ta bằng một tình yêu trọn vẹn….
Lời Chúa: Ep 6, 10-20; Lc.13, 31-35
Khi được hỏi: Thiên Chúa là Đấng nào? Hẳn không có câu trả lời nào trọn vẹn và ý nghĩa cho bằng lời khẳng định của thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 16).
Thật vậy, bản chất Thiên Chúa là tình yêu, vì thế, nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu của Người cho nhân loại ngang qua sự chăm sóc, quan phòng và nhất là nơi Đức Giêsu.
Có những lúc, Thiên Chúa được ví như người cha, răn dạy con cái;  như người mẹ, yêu thương, an ủi, vỗ về; như người chồng yêu thương vợ; như người bạn, luôn đồng hành, yêu thương…
Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy, tình yêu của Người được Đức Giêsu hé lộ như: “Gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh”. Hình ảnh gà mẹ được Đức Giêsu dùng ở đây cho thấy:  Thiên Chúa luôn bao bọc trở che chúng ta dướng bóng cách của Người lúc mưa, lúc nắng, khi bão tố, hay khi bị kẻ thù tấn công. Người yêu thương ta bằng một tình yêu trọn vẹn. Người đã cho đi tất cả, kể cả người Con Một duy nhất chính là Đức Giêsu. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã thi hành sứ vụ của Chúa Cha trong tình yêu. Ngài đã yêu thương họ đến cùng và đã chết vì yêu.
Tuy nhiên, vì hiềm khích, tham lam và kiêu ngạo, con người vẫn đắm chìm trong tội, nên không thể nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Họ đã bị một lớp mây mù dày đặc của tội lỗi làm cho mắt họ không còn phân biệt được tốt – xấu. Hay đôi khi nhận ra, nhưng vì miếng cơm, manh áo, vì danh dự, vì chức quyền, họ đã nhắm mắt trước tình yêu của Ngài, và đã đi ngược lại với tiếng Lương Tâm.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống trong tâm tình của những người con đã được Thiên Chúa yêu thương. Nhận ra tình yêu của Người và chia sẻ tình yêu đó cho người khác. Khi đã lựa chọn Chúa là mục đích, lẽ sống, thì cũng đón nhận những lời giáo huấn dạy dỗ của Ngài như khuôn vàng thước ngọc, thi hành luật Chúa trong lòng mến. Tránh tình trạng như Hêrôđê luôn tìm cách loại trừ Đức Giêsu chỉ vì những điều tốt đẹp Ngài đã làm, hay như những người Biệt Phái, vì sợ phiền hà, liên lụy, sợ hãi hay vì không chấp nhận chân lý của tình thương mà đã lợi gió bẻ măng, tiếp tay cho sự gian ác để đồng lõa loại bỏ Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi chúng con biết cảm nghiệm được tình yêu mà Chúa dành cho chúng con. Đồng thời luôn sống trong tình yêu đó bằng việc đón nhận Chúa như lẽ sống của cuộc đời và chia sẻ tình yêu đó cho người khác. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Read more…

Lễ Các Thánh Nam Nữ: Hãy nên thánh trong tất cả hạnh kiểm

07:02 | Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014
Phụng vụ lễ trọng kính Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa hôm nay, với lời kinh, tiếng hát, các bài đọc, thánh ca lôi cuốn tâm hồn chúng ta vượt quá những giới hạn của không gian và thời gian, bay lên cõi trời cao để chiêm ngưỡng Các Thánh, những người được coi là diễm phúc. Thánh Phêrô nói với chúng ta rằng Thiên Chúa muốn tất cả chúng ta sẽ là những vị thánh :” Bởi chưng đã viết rằng: Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh ” (1Pr 1, 16). Đọc đoạn Tin Mừng thánh Matthêu (Mt 5, 1-12), một loạt các từ “phúc” ở đầu mỗi câu, làm chúng ta có thể suy diễn rằng, Thiên Chúa muốn chúng ta là những người hạnh phúc, những thánh nhân, phúc nhân.
Suy diễn này không quá ảo tưởng, vì vào lúc khởi đầu Kitô giáo, các thành phần của Giáo Hội được gọi là “những người thánh“. Chẳng hạn như nơi thư Corintô, thánh Phaolô ngỏ lời với những kẻ được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô là “chư thánh đã được (Thiên Chúa) hiệu triệu“(x.1 Cr 1, 2), được mời gọi trở nên thánh thiện, cùng với tất cả những ai khẩn cầu danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Quả thực, người kitô đã là “thánh” rồi, bởi Bí tích Rửa tội kết hiệp họ với Chúa Giêsu và với mầu nhiệm Vượt Qua của Người; nhưng đồng thời người kitô còn phải trở nên thánh, trở nên giống như Chúa Kitô, mỗi ngày một mật thiết hơn.
Ðôi khi người ta nghĩ rằng sự thánh thiện là một điều ưu tiên dành cho vài người được tuyển chọn. Nhưng thật ra, việc trở nên thánh là trách nhiệm của từng người kitô hữu, hay có thể nói là của mọi người! Theo thánh Tông Ðồ Phaolô thì từ muôn thuở, Thiên Chúa đã chúc lành cho chúng ta và đã tuyển chọn chúng ta trong Chúa Kitô, “để trở nên thánh thiện và không tì ố trước nhan Ngài trong tình bác ái” (Eph 1, 3-4). Như thế, tất cả mọi người đều được mời gọi sống thánh thiện; ai trong chúng ta, dù yếu đuối và tội lỗi, dù nhỏ bé và nghèo hèn, đều có thể trở nên thánh nhân, và được mời gọi trở nên thánh : “Các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Ðấng trọn lành” (Mt 5, 48).
Nên trọn lành là trở nên giống Chúa, và ai trong chúng ta cũng có thể trở nên giống Chúa, vì Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Người, giống như Người (St 1, 26-27). Tự bản chất, chúng ta giống Chúa, tâm hồn chúng ta đẹp như Chúa. Chính tội lỗi làm cho tâm hồn chúng ta ra nhem nhuốc, xấu xí, không còn giống Chúa nữa. Tội lỗi làm cho chúng ta bị tha hoá, bị khác đi, không còn giữ được bản chất tốt lành của mình nữa, hạnh kiểm của chúng ta trước mặt Chúa là yếu kém.
Nhưng ai trong chúng ta lại không ước mơ trở nên tốt lành? Chúng ta mong lắm, thích lắm, vì trở nên tốt lành là trở về với bản chất của mình, trở nên giống Chúa là Chân Thiện Mỹ. Có điều là chúng ta ngại khó, ngại hy sinh, ngại cố gắng, ngại từ bỏ những điều vui sướng nhất thời trước mắt, chúng ta không có can đảm. Sự thánh thiện hệ tại việc sống như là những con cái Thiên Chúa, trong việc “trở nên giống” Thiên Chúa, như đã được tạo thành.
Điều làm cho chúng ta phấn khởi trong ngày lễ hôm nay, là Các Thánh trên trời rất đông, rất nhiều người trong nhân loại, trong đó có thể có những người thân của chúng ta, khi còn sống, họ đã trải qua biết bao nhiêu đau khổ và thăng trầm, nhưng cuối cùng đã được thanh tẩy mình trong máu Con Chiên là Chúa Giêsu, họ đã trở nên tinh tuyền, sạch đẹp và đang hưởng hạnh phúc với Chúa.
Hôm nay Các Thánh Nam Nữ thúc giục chúng ta cách dặc biệt: hãy cố lên! Ai trong chúng ta cũng có thể cố lên. Có rất nhiều người đã thành công. Sách khải huyền nói đến một đoàn người thật đông đảo không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi nước và mọi ngôn ngữ (x. Kh 7, 9).
Còn chúng ta đang ở dưới thế, nơi có quá nhiều cám dỗ và cạm bẫy, chúng ta yếu đuối khó vươn lên, hoàn cảnh của chúng ta có khi lại quá phức tạp và khó khăn, nhiều khi chúng ta nản chí buồn lòng, không còn muốn phấn đấu nữa. Nhưng Chúa dạy chúng ta đừng lúc nào cũng nhìn đời với cặp kính màu đen, hãy lạc quan, tin tưởng, yêu đời hơn, dù cuộc đời có đủ thứ rắc rối, có phũ phàng mấy đi nữa. Lời thánh Phêrô khuyên chúng ta “cả anh em nữa, hãy nên thánh trong tất cả hạnh kiểm” (1Pr 1, 15).
Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên mọi sự tốt lành, Đấng nắm giữ vận mệnh của lịch sử. Hãy nghe lời thánh Gioan nói xem “Tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (1 Ga 3, 1). Chính sự tin tưởng vào Thiên Chúa làm cho chúng ta tự tin hơn và yêu đời hơn. Mỗi lần cố gắng trở nên tốt hơn, là một lần chúng ta trở nên giống Chúa hơn. Chúa Giêsu đã vạch ra con đường Tám Mối Phúc Thật cho tất cả chúng ta đi theo hầu trở nên giống Người. Đó là con đường mà Người đã đi, khi Người còn sống thân phận lữ thứ trần gian như chúng ta: ” Phúc cho những ai…” (x. Mt 5, 1-12)
Mừng lễ Các Thánh Nam Nữ hôm nay, ngự giữa cộng đoàn Các Thánh, có Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, Ðấng khiêm nhu nhưng cao trọng hơn mọi tạo vật. Chúng ta hãy đạt đôi bàn tay ta vào trong tay của Mẹ để Mẹ hướng dẫn, có Mẹ dẫn lối chỉ đường, chúng ta cảm thấy mình được khích lệ tiến bước với niềm hăng say hơn trên con đường thánh thiện. Hãy phó thác cho Mẹ cố gắng dấn thân hằng ngày và khẩn cầu Mẹ cho những người thân yêu của chúng ta đã qua đời. Trong niềm hy vọng sâu xa một ngày kia tất cả chúng ta sẽ gặp lại nhau, trong sự hiệp thông vinh quang của Các Thánh trước tòa Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Read more…

Tòa thánh Vatican và những điều ít ai biết

15:46 | Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014
Với diện tích 0,44km², Vatican là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới. Với một dân số nhỏ, Vatican có tất cả mọi thứ mà một quốc gia phải có: cảnh sát, một tờ báo, đài truyền hình và phát thanh, ga xe điện, dịch vụ bưu chính, thậm chí có cả một cái bếp riêng để nấu súp cho người nghèo.
Với diện tích 0,44km², Vatican là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới. Với một dân số nhỏ, Vatican có tất cả mọi thứ mà một quốc gia phải có: cảnh sát, một tờ báo, đài truyền hình và phát thanh, ga xe điện, dịch vụ bưu chính, thậm chí có cả một cái bếp riêng để nấu súp cho người nghèo.
[IMG]
Vatican là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới, 
với diện tích chỉ vẻn vẹn có 0,44 km2, lọt thỏm trong thành Rome
Trên địa hình dạng đồi thấp, diện tích Vatican chỉ vẻn vẹn có 0,44 km2, lọt thỏm trong thành Rome. Bao chung quanh là những bức tường hàng trăm tuổi. Đường biên giới dài chừng 3,2 km. Độc lập là đặc tính thế tục quan trọng nhất của Vatican vì nó bảo vệ giáo hoàng khỏi áp lực của bên ngoài.

Mặc dù có quy mô rất nhỏ nhưng ảnh hưởng của Vatican trên thế giới lại vô cùng to lớn. Được thành lập năm 1929, nhà nước Vatican là hậu thân của nhà nước của các giáo hoàng (756-1870), mọi quyền lực của Vatican nằm trong tay giáo hoàng. Với tư cách là thủ phủ của cộng đồng Thiên Chúa giáo thế giới, Vatican được xây dựng rất quy mô, xứng tầm với danh tiếng của mình.

[IMG]
Mặc dù có quy mô rất nhỏ nhưng ảnh hưởng của Vatican trên thế giới lại vô cùng to lớn. 
mọi quyền lực của Vatican nằm trong tay giáo hoàng. 
Từ trước đến nay, hậu trường của Tòa thánh Vatican luôn là một bí mật đối với mọi người. Dưới đây là những chi tiết nhỏ được tiết lộ về hậu cung của Vatican.

Đội vệ binh người Thụy Sĩ – “Những người bảo vệ tự do của Giáo hội”

Bộ máy hành chính của nhà nước Vatican do Thụy Sĩ tổ chức hoạt động rất chặt chẽ, có ngân hàng, bưu cục, tiền và tem riêng. Gần 100 quốc gia đã có đại sứ ở Vatican và Vatican cũng phái các đoàn ngoại giao đến hơn 120 quốc gia trên thế giới.

Đội vệ binh người Thụy Sĩ là đội quân phục vụ các giáo hoàng từ rất lâu đời, từ năm 1506. Nhưng ngày nay, tuy quân đội có lịch sử lâu đời này vẫn tồn tại, nhưng các thành viên của nó không còn phải gánh vác những trách nhiệm chinh chiến nữa. Nhiệm vụ của đội vệ binh Thụy Sĩ là canh gác các cửa ngõ của thành Vatican, cung điện Giáo hoàng và lâu đài Castel Gandolfo. Tuy nhiệm vụ của họ trông buồn tẻ nhưng cũng rất oai phong, vì muốn trở thành thành viên của đội vệ binh Thụy Sĩ cần phải hội đủ ba điều kiện: phải là người Thụy Sĩ, phải theo đạo Thiên Chúa và phải cao ít nhất 1,74 mét.

[IMG]
Đội vệ binh người Thụy Sĩ là đội quân phục vụ các giáo hoàng
Ngoài đội vệ binh Thụy Sĩ, Vatican còn có một đội cảnh binh gồm toàn người Italia có nhiệm vụ canh gác các khu vườn và đảm bảo an ninh cận kề cho chính giáo hoàng. Đội cảnh binh này cộng tác với cảnh sát Italia mỗi khi Giáo hoàng công du, nghĩa là khi Giáo hoàng rời địa phận của Vatican đến thành phố Roma hoặc đi đến những nơi khác của Italia.

Tờ báo Osservatore Romano

[IMG]
Tờ Osservatore Romano hàng tuần in bằng 7 thứ tiếng.
Nhật báo này cũng lâu đời không kém đội vệ binh Thụy Sĩ. Tờ Osservatore Romano ra đời cách đây 140 năm và được bổ sung những ấn phẩm ra hàng tuần in bằng 7 thứ tiếng. Mục đích chính của những ấn phẩm này không nhằm bán kiếm tiền mà nhằm quảng bá rộng khắp thông tin về hoạt động của Giáo hội và của Giáo hoàng Vatican. Tờ Osservatore Romano không bao giờ tiết lộ số lượng báo phát hành hàng ngày và cũng rất kín đáo với một số khía cạnh trong đời sống chính trị ở Italia.

Đài phát thanh Vatican

[IMG]
Radio Vatican đài phát thanh riêng truyền thông tin đi khắp thế giới,
Tòa thánh Vatican còn có một đài phát thanh riêng truyền thông tin đi khắp thế giới, đó là Đài phát thanh Vatican còn gọi là Radio Vatican. Hằng ngày, Radio Vatican phát trên 30 thứ tiếng của nhân loại. 



Đội xe

Tổng cộng chiều dài đường giao thông ở Vatican chỉ không quá 500m. Ngoài ra, Vatican còn có một sân bay trực thăng và một đường tàu hỏa nối liền với thủ đô Roma mà nhà ga chính nằm ngay phía sau cung điện của Giáo hoàng. Kể từ tháng 1/2002, Giáo hoàng đã không di chuyển bằng tàu hỏa nữa mà chỉ đến Roma hay đến làm việc trong nội cung của Vatican bằng xe hơi. Những chiếc xe đều được chế tạo riêng theo đơn đặt hàng của Vatican, có đến 12 chiếc, gồm toàn hiệu Mercedes. 

Thư viện

[IMG]
Không phải ai cũng có thể vào hoặc mượn được sách ở thư viện Vatican
Không phải ai cũng có thể vào hoặc mượn được sách ở thư viện này. Ở đây có hơn 1 triệu ấn phẩm, 150.000 bản viết tay và một bộ sưu tập quý giá nhất về những ấn phẩm đầu tiên của ngành in trên thế giới, trong đó đáng kể nhất là 2 cuốn Thánh Kinh do Gutemberg, người phát minh kỹ thuật in, cho xuất bản vào thế kỷ XV.

Hiệp hội những người làm việc ngoài đời

Trụ sở của hiệp hội này chiếm hai gian nhà cổ với trang trí nội thất lỗi thời. Ngoài cửa chỉ khắc có 4 chữ cái ADLV thay cho toàn bộ tên Associazone Dipendenti Laici Vatican, tức Hiệp hội những người làm việc ngoài đời đến làm việc tại "Ngôi nhà của Chúa" ở Vatican. Có thể coi đó là công đoàn của những người lao động cho Tòa thánh. Trong số 2.400 người qua cổng Thánh Anna, ngăn đôi giữa thành phố Roma và Tòa thánh để vào Vatican làm việc thì có đến 700 người là thành viên của công hội này. Với mặt bằng lương tương tự như các nghề khác ở Roma, họ làm việc mỗi tuần 6 ngày, mỗi ngày 6 tiếng. Mỗi chức vụ ở đây, ngoài thanh thế ra còn đem lại cho họ một số đặc quyền nhưng việc tăng lương có phần hơi chậm hơn so với các nơi khác ở Italia

[IMG]
Đất nước Vatican chỉ có chưa đầy 1.000 công dân (đều là tu sĩ) 
nhưng mỗi năm lại đón hàng chục ngàn người tham quan.
Khi đặt chân đến Vatican, bạn sẽ ấn tượng bởi những công trình kiến trúc hoành tráng. Bạn sẽ không cần mua bản đồ khi đến đây bởi chỉ cần xòe bàn tay ra, nhắm hướng vài đường ngoằn ngoèo là Vatican đã nằm gọn trong lòng bàn tay. Ngoài ra còn có một số điều thú vị ở thành phố này. 

Tắc nghẽn giao thông có thể giăng hàng đến 10 chiếc ôtô. Và Vatican có lẽ là đất nước duy nhất trên thế giới, nơi mà máy rút tiền tự động đưa ra những lời chỉ dẫn bằng tiếng Latinh. Ngoài thành phố Vatican, 13 tòa nhà ở Rome và lâu đài Gandoflo (nơi nghỉ hè của giáo hoàng) cũng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.

Ngày ngày dòng người vẫn đổ về chiêm ngưỡng thánh địa Vatican lọt giữa lòng thủ đô Roma của nước Ý. Đất nước Vatican chỉ có chưa đầy 1.000 công dân (đều là tu sĩ) nhưng mỗi năm lại đón hàng chục ngàn người tham quan.
Nguồn: Giesulove.net
Read more…

CÓ THƯỞNG PHẠT ĐỜI ĐỜI KHÔNG ?

15:27 | Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014
Nhân tháng các linh hồn sắp tới, xin cha cho biết:
1- Chúa có phạt ai xuống hỏa  ngục không ?
2- Luyện ngục ,hỏa ngục khác nhau như thế nào ?
3- Tín điều các Thánh thông công là gì ?
Trả lời :
1- Chúa có phạt ai xuống hỏa ngục không ?
Thiên Chúa là tình thương, Người chậm bất bình và  hay tha thứ. Người tạo dựng  con người chỉ vì yêu thương vô vị lợi và “ muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” ( 1 Tm 2 : 4). Nghiã là Chúa muốn cho mọi người được vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Người trên Thiên Đàng, là nơi không còn đau khổ , bệnh tật, nghèo nàn, bất công và chết chóc nữa.
Hạnh phúc Thiên Đàng là hạnh phúc  mà  mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe  lòng người chưa hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người. ( 1 Cor 2: 9) Như Thánh Phaolô đã viết.
Nhưng muốn hưởng  hạnh phúc Thiên Đàng thì phải yêu mến Chúa và tuân giữ các giới răn của Người.
Tại sao ?   tại vì Thiên Chúa là  tình thương” nên  ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa ( 1 Ga 4 : 8)
Biết Thiên Chúa là tình thương , mà quả thật Người là tình thương thì lẽ tự nhiên ta phải  yêu mến Người  với tất cả tâm trí và nghị lực để đáp trả phần nào tình thương quá lạ lùng của Chúa dành cho con người. Vả Lại, yêu mến Chúa chỉ có lợi cho ta chứ  Chúa không được lợi lộc gì vì Người đã quá đủ hạnh phúc , giầu sang nên không cần ai thêm gì cho Người nữa.
Tuy nhiên, vì Thiên Chúa tạo dựng con người với hai đặc tính độc đáo là có lý trí và ý muốn tự do ( intelligence and free will) và  Thiên Chúa  hoàn toàn tôn trọng cho con người sử dụng hai khả năng đó, nên vấn đề thưởng  phạt mới được đặt ra cho riêng con người mà thôi.Nghĩa là nếu con người , qua lý trí, nhận biết có Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất và muôn vật – trong đó có con người- thì con người phải sử dụng ý muốn tự do của mình để chọn yêu mến Chúa và sống theo đường lối của Người để được cứu rỗi và vui hưởng hạnh phúc Nước Trời, chiếu theo ánh sáng của lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa là:
  “ Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lậy Chúa !, Lậy Chúa ! là được vào Nước Trời cả đâu,  nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầylà Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.” ( Mt 7 : 21)
Nhưng thế nào là thi hành ý muốn của Chúa Cha ?
Chúa Giê su đã chỉ rõ cho ta cách thi hành ý muốn của Chúa Cha như sau :.
 ai yêu mến Thầy , thì sẽ giữ lời Thầy
Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy
Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người  ấy. ( Ga 14: 23)
Giữ lời Thầy có nghĩa là thực thi những gì Chúa đã rao giảng và dạy bảo  , cụ thể là hai Điều Răn quan trọng nhất, đó là mến Chúa và yêu người, như Chúa đã nói với một luật sĩ  Do Thái xưa. ( Mt 22: 37-39)
Như vậy , thực thi hai Điều Răn đó là chứng minh cụ thể lòng yêu mến Chúa và xứng đáng được “ Cha Thầy và Thầy đến ở” với ta như Chúa Giê su nói trên đây.
Là con người , ai lại không muốn hạnh phúc, sung sướng và bình an ? nên yếu mến Chúa là yêu mến  chính nguồn hạnh phúc, an vui  vĩnh cửu đó.Như thế, chỉ có lợi cho con người khi chọn  yêu mến Chúa, chứ tuyệt đối không có lợi lộc gì cho   Chúa hết. Chúng ta phải xác tín điều này, để đừng ai nghĩ rằng Thiên Chúa  được lợi lộc gì khi ta yêu mến và tuân giữ các giới răn của  Người. .
Đó là điều chắc chắn ta phải tin khi thi hành các Điều Răn của Chúa để không giết người, trộm cắp. gian dâm, thông dâm, mãi dâm, ấu dâm, phái thai, ly dị, thù oán người khác, kỳ thị chủng tộc, nói xấu , vu cáo làm hại  danh dự và đời tư  của người khác, bất công , bóc lột  người làm công cho mình, và dửng dưng trước sự đau khổ, nghèo đói của anh chị em đồng loại.
Nếu ta tuân giữ các Điều Răn của Chúa để không làm những sự dữ  hay tội lỗi nói trên, thì chúng ta đã yêu mến Chúa cách cụ thể  để được “ ở lại trong tình thương của Người” như Chúa Giêsu đã dạy trên đây. Ngược lại,  nếu ai dùng “ ý muốn tự do= free will để làm những sự dữ nói trên thì đã tự  ý  và công khai khước từ Thiên Chúa và tình thương của Người. Như thế họ phải lãnh chịu mọi hậu quả của việc mình làm vì tự do chọn lựa.
Chính vì con người có tự do để chọn lựa , hoặc sống theo đường lối của Chúa để được chúc phúc;   hay khước từ Chúa để sống theo ý riêng mình và chạy theo những lôi cuốn của thế gian , nhất là những cám dỗ của ma quỉ để tôn thờ tiền bạc, của cải vật chất và mọi thú vui vô luân vô đạo,  như thực trạng sống của  con người ở khắp nơi trong thế gian tục hóa ngày nay.Nếu ai chọn sống  như vậy, thì  cũng đã tự ý chọn nơi cư ngụ cuối cùng cho mình, sau khi phải chết trong thân xác có ngày phải chết đi này.Thiên Chúa yêu thương con người và đã cứu chuộc con người nhờ  Chúa Kitô. Nhưng Thiên Chúa cũng  gớm  ghét mọi tội lỗi, vì tội lỗi và sự dữ  đi ngược lại với bản chất yêu thương, công bình và thánh thiện của Người. .
 Nhưng  cho dù Thiên Chúa quá yêu thương con người như vậy, mà  con người không cộng tác với ơn cứu chuộc  của Chúa Kitô,  bằng quyết tâm sống theo đường lối của Chúa và xa tránh mọi sự dữ và tội lỗi thì Chúa vẫn không thể cứu ai được.  Lý do là  Chúa không tiêu diệt hết mọi  tội lỗi  và vì con người  còn có tự do để  cộng tác với ơn cứu chuộc của Chúa , hay khước từ ơn cứu chuộc này để sống theo thế gian và làm nô lệ cho ma quỉ, kẻ thù của Thiên Chúa.
Như vậy, nếu Thiên Đàng là nơi dành cho những ai thực tâm yêu mến Chúa, tuân giữ các giới răn của Người và quyết tâm xa tránh mọi tội lỗi, thì hỏa ngục phải là nơi dành cho những ai đã  cố ý khước từ Chúa và tình thương của Người để sống theo ma quỷ và làm những sự dữ như giết người, hiếp dâm  và bán con gái nhỏ dại  cho bọn buôn người  cung cấp cho bọn đi tìm thú vui man rợ cực kỳ khốn  nạn là thú “ấu dâm”,  như đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới trống vắng niềm tin này. Như thế, phải có hỏa ngục dành cho những kẻ gian ác đã tự ý chọn cho mình nơi ở vinh viễn xa lìa Thiên  Chúa ngay từ ở đời này. Nghĩa là họ đã tự  ý chọn hỏa ngục vì cách sống của họ, chứ không phải vì Thiên Chúa muốn phạt ai ở chốn này, vì Người là Cha đầy yêu thương và “không muốn  cho ai  phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người  đi tới chỗ ăn năn hối cải.” ( 2 Pr 3 : 9).

2- Sự khác biệt giữa hỏa ngục và  Luyên tội :
Chúa Giê su thường nói đến hỏa ngục là nơi lửa không bao giờ tắt ( Mt 5: 22).
Thánh Gioan Tông Đồ đã coi những kẻ sát nhân là những kẻ không có sự sống đời đời ,tức là phải xa lìa Thiên Chúa trong nơi gọi là hỏa ngục:
 “ Phàm ai ghét  anh  em mình, thì là kẻ sát nhân
Và anh  em biết: Không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1 Ga: 15)
Nhưng cần phân biệt điều này: con người dù tội lỗi đến đâu, mà biết sám hối ăn năn thì vẫn  được Chúa thương tha thứ. Cụ thể là Chúa Giêsu đã tha thứ cho người  gian phi ( kẻ trộm lành)  nhận biết tội mình và xin Chúa tha thứ:
“ Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với  tôi trên  Thiên Đàng.”  ( Lc 23: 39-43) .
Ngược lại, chỉ những ai tội lỗi mà không hề sám hối  để xin Chúa tha thứ , đặc biệt là tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tức  tội  hoàn toàn  từ chối lòng thương xót của Chúa cho đến chết , thì sẽ  không bao  giờ được tha thứ,  như Chúa Giê su đã nói rõ trong Tin Mừng Thánh Marcô.( Mc 3: 29)
Lại nữa, những ai chết đang khi mắc tội trọng ( mortal sin) thì cũng chịu hình phạt hỏa ngục, căn cứ theo giáo lý của Giáo Hội. ( X SGLGHCG, số 1035) . Tuy nhiên , cần nói lại là Thiên Chúa không tiền định cho ai phải xuống hỏa ngục , hoặc muốn phạt ai trong nơi “lửa không hề tắt”  này. Nhưng vì con người có tự do trong đời sống thiêng liêng, nên nếu  ai dùng tự do này để xa lìa Chúa , để  tự do làm những sự dữ mà không hề biết ăn năn, xin Chúa thứ tha thì đã tự ý chọn hỏa ngục làm nơi cư ngụ cuối cùng cho mình.
Trái với hỏa ngục , Luyên ngục hay Luyên tội ( Purgatory) là nơi các linh hồn thánh ( holy souls)  được thanh luyện để đạt được sự thánh thiện cần thiết trước khi  vào Thiên Đàng vui hưởng Thánh Nhan Chúa là nguồn vui  hạnh phúc của các thánh và các thiên thần.Các linh hồn đang  “ tạm trú” ở đây là những người đã ra đi trong ơn nghĩa Chúa, tức  là được bảo đảm về ơn cứu độ, nhưng vẫn cần được thanh luyện để đạt mức thánh thiện cân xứng trước khi  gia nhập hàng ngũ các Thánh trên Thiên Quốc. Các linh hồn thánh này không thể làm thêm việc thiện, và cũng không thể phạm tội được nữa vì thời giờ đã mãn cho họ trên trần gian  này.  Vì thế, trong khi còn được thanh luyện  ở nơi đây, các linh hồn mong đợi các Thánh trên Thiên Đàng và các tín hữu còn sống cứu giúp họ bằng lời cầu nguyện và các  việc lành. Ngược lại, các linh hồn cũng có thể cầu xin đắc lực cho các tín hữu còn sống trên trần thế và trong  Giáo Hội lữ hành. Nhưng các Thánh trên Trời, các linh hồn thánh trong Luyện ngục và các tin hữu còn sống không thể giúp gì cho các linh hồn đã lìa xa Chúa trong hỏa ngục, vì không có sự hiệp thông nào giữa nơi này với Thiên Đàng, Luyện ngục và Giáo Hội đang lữ hành trên trần thế.

3 - Tín điều các Thánh Thông Công ( communion of  Saints )
Tín điều này dạy: chỉ có sự hiệp thông giữa Giáo Hội vinh thắng ( Triumphal Church) trên trời và Giáo Hội lữ hành ( Pilgrim Church)  trên trần thế cùng với Giáo Hội đau khổ  ( Suffering  Church) trong Luyện Tội. Nghĩa là các Thánh trên Trời , các linh hồn thánh trong Luyện tội và các tín hữu còn sống và đang hiệp thông với Giáo Hội, cả ba thành phần này   được hiệp thông với nhau trong cùng một niềm tin, tôn thờ Thiên Chúa , nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần.
Các Thánh nam nữ trên trời hiệp thông với các linh hồn thánh trong Luyện Tội và các tín hữu trên trần gian bằng lời nguyện giúp cầu thay đắc lực trước Tòa  Chúa  cho các linh hồn và các tín hữu còn sống. Các linh hồn trong Luyện tội không thể tự giúp mình được nhưng có thể cầu xin cho các tin hữu còn sống. Các tín hữu có thể làm việc lành như cầu nguyện. làm việc bác ái và xin lễ cầu cho các linh hồn trong Luyên Tội ( cách riêng trong tháng 11 là thánh dành cầu nguyện cho các linh hồn) được mau vào Thiên Đàng hưởng Thánh Nhan Chúa.
Đó là nội dung tín điều các Thánh thông Công giữa các Thánh trên Thiên Đàng, các linh hồn thánh trong Luyện Tội và các Tín hữu trên trần thế.
Như thế,  chỉ có những ai đang  xa lìa Chúa  ở chốn hỏa ngục thì   không được thông hiệp với các Thánh trên trời , các Linh hồn trong Luyện tội  và các Tín hữu còn sống  trên trần gian này.Do đó, không ai có thể làm gì để cứu giúp họ được nữa.
Vậy chúng ta hãy cố gắng làm việc lành trong tháng  11 này để cầu cho các linh hồn được mau hưởng Thánh Nhan Chúa.Chắc chắn các linh hồn sẽ biết ơn và cầu xin Chúa cách đắc lực cho chúng ta.
Lm Phanxicô Xaviê  Ngô Tôn Huấn

Tác giả:  Lm. PX. Ngô Tôn Huấn
Nguồn: Conggiaovietnam.net
Read more…
Trang 1 / 2512345...25»